Quốc gia khởi nghiệp Israel: Chương 6-7-8

Người đăng: Unknown on Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn www.opeconomica.com
Chương 6: Một chính sách có hiệu quả
Phần III: Những khởi đầu
Thật không đơn giản chút nào khi muốn thuyết phục người ta rằng “nuôi cá trên sa mạc là việc làm có ý nghĩa” – Giáo sư Samuel Appelbaum
Câu chuyện thần kỳ kinh tế Israel – tăng trưởng kinh tế 50 lần trong vòng 60 năm – không chỉ là câu chuyện của dân tộc tính mãnh liệt, của tinh thần doanh nhân chiến đấu hay của các yếu tố địa chính trị đơn thuần. Câu chuyện thành công này còn liên quan đến các chính sách hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, được điều chỉnh linh hoạt cũng như đời sống dân sự và quân sự của Israel, và chịu ảnh hưởng của nhiều biến động bất ngờ.
Lịch sử nền kinh tế Israel từng trải qua những giai đoạn trì trệ và lạm phát cao. Đó là lúc các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô đóng vai trò quan trọng để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng theo cách thức mà bản thân chính phủ cũng không lường trước được. Nền kinh tế này có 2 giai đoạn nhảy vọt đáng chú ý: giai đoạn 1948 – 1970 với mức GDP bình quân đầu người tăng gần 4 lần trong khi dân số tăng gấp 3, đồng thời quốc gia trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và giai đoạn từ 1990 đến nay để Israel trở thành một trung tâm Sáng tạo hàng đầu của cả thế giới.
Nhiều phương tiện, công cụ khác nhau đã được ứng dụng: giai đoạn tăng trưởng lần đầu là nhờ một chính phủ với tinh thần doanh nhân cao độ, thu hút được khối kinh tế tư nhân với vô số các doanh nghiệp nhỏ, sơ khai; còn ở giai đoạn sau thì các hoạt động của chính phủ đã đóng vai trò chất xúc tác để khối kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nguồn gốc của giai đoạn tăng trưởng kinh tế lần thứ nhất có thể được phát xuất từ rất xa, trước khi nhà nước Israel ra đời. Trong thập niên 1880, một nhóm dân Do Thái đi tìm đất định cư đã tìm đến một thị trấn – tên là Petach Tikva, cách Tel Aviv ngày nay chỉ vài dặm. Họ đã sống trong lều tạm, gieo trồng cây bạch đàn và rễ cây này đã hút nước trong những vùng đầm lầy xung quanh, tạo nền đất vững chắc cho cuộc sống của cộng đồng sau đó.
Nhiều người Israel khác đã tìm đến khu vực này sinh sống. Trong số đó có một luật sư gốc Do Thái, 20 tuổi, đến từ Ba Lan tên là David Gruen. Anh đến Tikva năm 1906, và lấy tên Do Thái của mình là Ben-Gurion. Các hoạt động của Ben Gurion giai đoạn này đã khiến anh trở thành một trong những người đầu tiên có công xây dựng nên nhà nước Israel nói chung và cải tiến nền kinh tế Israel nói riêng.
Sau Thế Chiến thứ I, Palestine là thuộc địa của Anh và Anh từ chối không cho phép dân tị nạn đến lãnh thổ này. Trong khi người Do Thái vẫn bị nước  Đức Quốc xã săn lùng ở khắp nơi. Vậy nên Ben Gurion đã triển khai đồng thời 2 chiến dịch, nghe có vẻ mâu thuẫn nhau: một là: anh động viên và tổ chức được khoảng 18 ngàn người Do Thái, khi đó đang sống tại Palestine,  lên đường sang Anh để tham gia các “Tiểu đoàn Do thái” chiến đấu chống lại Đức Quốc xã. Hai là, anh xây dựng các tổ chức ngầm, bí mật chuyển những người tị nạn Do Thái từ châu Âu quay về Palestine, chống lại chính sách cấm nhập cư của Anh.
Như vậy Ben Gurion vừa tổ chức cho dân Israel sát cánh cùng nước Anh chiến đấu chống lại Đức Quốc xã, vừa tổ chức cho những người Israel quay về Palestine chiến đấu chống lại thực dân Anh tại Palestine. Không quá khó hiểu: Ben Gurion là một người người Do Thái theo chủ nghĩa xã hội, chịu nhiều ảnh hưởng của học thuyết Marx và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Anh muốn tạo dựng một nhà nước Israel, bằng bất cứ phương tiện gì. Anh là một luật sư thực dụng.
Trong văn hóa Israel thì từ “thực dụng” mang tính tích cực: nhận xét ai đó có đầu óc thực dụng tức là khen ngợi người đó. Anh tập trung các cộng đồng Do Thái tị nạn quanh các thành phố lớn, như Jerusalem, Tiberias hay Safed chẳng hạn, vì biết chắc đây mới là cách đúng để có thể hình thành một nhà nước Israel trong tương lai. Các cộng đồng Do Thái sống tại Palestine chủ yếu bằng nghề nông.
Hợp tác xã nông nghiệp và Cách mạng nông nghiệp Israel
Đến năm 1944, tức là 4 năm trước khi nhà nước Israel được ra đời, cộng đồng Do Thái tại Palestine đã biết tự tổ chức các Hợp tác xã nông nghiệp (tiếng Do Thái là Kibbutz), theo đó họ xóa bỏ hình thức sở hữu tư nhân và phân chia thành quả lao động một cách tuyệt đối công bằng. Hình thức Hợp tác xã này được phát triển và duy trì trong hơn 20 năm sau đó, với 80 ngàn dân thuộc 250 cộng đồng Do Thái khác nhau.
Tuy nhiên, các điểm yếu trong hình thức hợp tác cũng dần dần lộ diện: với xu hướng công bằng tuyệt đối như trên, các xã viên HTX liên tục tranh luận với nhau về đủ thứ chuyện trên đời: từ việc trồng cây gì, nuôi con gì, cho đến việc các xã viên có được quyền sở hữu TV cá nhân hay không, có được làm nhà vệ sinh giật nước hay không … Trong cộng đồng hợp tác xã nông nghiệp, không có cảnh sát, không có tòa án, xã viên không có tiền thuộc sở hữu cá nhân, trẻ em chỉ gặp cha mẹ chúng vài giờ trong ngày còn phần nhiều thời gian chúng tự chơi với nhau, ngủ chung với các trẻ em nhà khác.
Hệ thống tưới nước là điều thiết yếu, đặc biệt trong điều kiện khô hạn của vùng miền nam sa mạc Negev này. Sau Chiến tranh giành Độc lập 1948, cộng đồng Israel vẫn loay hoay với vấn đề tưới tiêu cho nông nghiệp. Mãi đến năm 1965, kỹ sư Simcha Blass và công ty Netafim (từng được nhắc đến trong các chương đầu của sách này) mới phát minh ra hệ thống tưới nước “kiểu nhỏ giọt” và giải quyết được triệt để vấn đề khô hạn cho đất nông nghiệp.
Quả thật, đất nước nào, vùng miền nào cũng có những khó khăn và hạn chế, nhưng điều đáng quan tâm chú ý của Israel là: dân tộc này ưa thích giải quyết vấn đề khó – và khi đã vượt qua được khó khăn thì phải trở thành người dẫn đầu. Người Israel luôn luôn biến nghịch cảnh trở thành lợi thế.
Cho đến tận ngày nay, nhiều du khách còn phải kinh ngạc khi nhận thấy 95% diện tích lãnh thổ Israel là khô cằn, nửa khô cằn hoặc rất khô cằn, thế mà Israel lại là quốc gia hàng đầu thế giới trong công nghệ tưới tiêu, với vô số sáng kiến, giải pháp về nước và tái xử lý nước.
70% lượng nước sử dụng là nước thải đã qua xử lý.
Dân Israel đào giếng để tìm nước tưới, họ đào sâu đến hơn nửa dặm, nghĩa là gấp 10 lần chiều dài sân bóng đá để nhận ra là mạch nước ngầm bên dưới vẫn nóng và nhiễm mặn. Không dùng để tưới được, họ lấy thứ nước này để nuôi các loài cá nước ấm. “Không đơn giản chút nào để thuyết phục người ta rằng vẫn có thể nuôi cá trong vùng sa mạc”, thế nhưng Israel làm được.
Cá được đem xuất khẩu và nước thải sau quá trình nuôi cá được dùng làm phân bón cho các hoạt động trồng trọt khác trên cạn. Một thế kỷ trước, như nhà văn Mark Twain đã mô tả, thì Israel chỉ là vùng đất của các loại chất thải, khô héo và vô dụng. Hiện nay, đất nước này có 240 triệu cây trồng, rừng xuất hiện khắp nơi trong lãnh thổ quốc gia,  lớn nhất là khu rừng Yatir được hình thành ngay trên nền đất khó trồng cây nhất, từng là khu vực nửa hoang mạc trước kia. Rừng Yatir bắt đầu được trồng từ năm 1932, sau nhiều lần các nhà nghiên cứu cố gắng thuyết phục và chứng minh tính khả thi.
Hóa ra, 4 triệu cây trong khu rừng này chỉ sống nhờ lượng mưa khoảng 280 milimet trong một mùa mưa của cả năm, nhưng chúng lớn nhanh hơn bình thường vì hấp thụ được nhiều CO2 trong bầu không khí của khu vực.
Cú nhảy vọt của người Israel
Hình thức Hợp tác xã nông nghiệp chỉ là bước khởi đầu trong quá trình phát triển kinh tế Israel. Cho dù đi theo chủ nghĩa xã hội, hay chủ nghĩa tiến hóa hoặc một dạng lai ghép giữa hai chủ nghĩa này, thì Israel vẫn đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong phát triển kinh tế. Rất ít quốc gia có được sự tăng trưởng nhảy vọt kiểu này.
Trong giai đoạn 1950 – 1970, thu nhập bình quân đầu người của Israel tăng từ mức 25% so với Hoa Kỳ lên 60%. Điều này có nghĩa là mức sống trung bình của công dân Israel đã tăng hơn gấp đôi so tương đối với mức sống của dân Mỹ trong vòng 20 năm.
Trong giai đoạn này, chính phủ hầu như không có nỗ lực nào để khuyến khích sự phát triển của khối kinh tế tư nhân, thậm chí  còn phản đối kịch liệt thói tư lợi. Tuy rằng cũng có một số phe đối lập chính trị phản đối hình thức điều hành kinh tế vĩ mô kiểu này, nhưng sự phê phán không lớn. Rõ ràng, sự can thiệp cứng rắn của chính phủ vào nền kinh tế lại đóng góp đáng kể cho hiệu quả chung. Bất cứ nền kinh tế sơ khai, non trẻ nào cũng đều mở ra nhiều cơ hội thu lợi nhuận khi đầu tư quy mô lớn: đường sá, hệ thống cấp thoát nước, cảng biển, nhà máy xí nghiệp sản xuất, mạng lưới điện, xây dựng dân dụng…
Chính phủ Israel tổ chức các dự án lớn này, một điển hình thành công là chương trình xây nhà cho các xã viên hợp tác xã nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng của quốc gia.
Đáng chú ý là: rất nhiều quốc gia đang phát triển cũng làm như Israel, nghĩa là chính phủ trực tiếp triển khai các dự án hạ tầng, quy mô lớn nhưng đa số ngân sách nhà nước tại những nước này đều bị thất thoát nghiêm trọng. Vì tham nhũng. Trong khi Israel tuy cũng có, nhưng tham nhũng không phải là hiện tượng phổ biến và gây tổn thất lớn cho ngân sách nhà nước.
Sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, từ quản lý tập trung sang kinh tế tư nhân được triển khai tại Israel từ giữa thập niên 1960. Đó là giai đoạn mà các công trình hạ tầng cơ sở của đất nước đã được hoàn tất.
Không những thế, chính cuộc chiến 6 ngày, từ ngày 6-6-1967 đã giúp Israel chiếm đóng được Bờ Tây, dải Gaza, bán đảo Sinai và cao nguyên Golan, tăng diện tích đất nước lên hơn 3 lần so với trước. Đột nhiên, chính phủ Israel lại phải đối mặt với thách thức một lần nữa: các dự án hạ tầng quy mô lớn. Chi phí cho quốc phòng cũng tăng vọt theo tốc độ tăng diện tích đất nước, lại phải có một gói “kích thích kinh tế” khổng lồ.
Và đúng vậy, trị giá đầu tư cho xây dựng hạ tầng cơ sở tại Israel tăng trưởng 725% trong giai đoạn 1967–1968.
Một thập niên bị đánh cắp của Israel
Tuy nhiên, chỉ 6 năm sau, năm 1973 Israel lại phải chiến đấu với Ai Cập (đã trình bày trong phần trước). Lần này, cuộc chiến đã không mang lại sự bùng nổ kinh tế. Israel gánh chịu nhiều tổn thất về con người (hơn 3,000 người chết và số lượng bị thương còn lớn hơn nhiều).
Lực lượng quân dự bị được điều động và như vậy đội ngũ làm kinh tế cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Đối phó với tình hình này, chính phủ Israel đã tiến hành các khoản vay nợ nước ngoài, ngắn hạn và lãi suất cao, để bù đắp sự thâm hụt ngân sách.
Một đặc điểm không thể bỏ qua trong công tác quản lý kinh tế giai đoạn này: nhà nước độc quyền trên thị trường vốn. Lãi suất cho vay và đi vay trong đất nước do Ngân hàng Nhà nước Israel quy định, chứ không thả nổi như các thị trường tự do ở nhiều quốc gia khác. Các ngân hàng thương mại buộc phải mua trái phiếu chính phủ hoặc phải tài trợ các khoản vay dự án của tư nhân, với tỷ suất lợi nhuận do chính phủ quy định. Đó là những đặc trưng của nền kinh tế Israel  trong giai đoạn được gọi là “một thập niên bị đánh cắp”, kéo dài từ 1973 đến giữa thập niên 80.
Điều kiện hạ tầng của đất nước cũng khá lạc hậu trong thời gian này: sân bay nhỏ, đường sá hẹp và không có đường cao tốc, một đài phát thanh truyền hình duy nhất do nhà nước quản lý. Israel trong thập niên bị đánh cắp mang màu sắc chủ nghĩa tập thể na ná như nhà nước Xô Viết. Không ai có điện thoại bàn ở nhà riêng cả. Không có siêu thị. Xe hơi rất hiếm hoi … Tình hình nhìn chung thật bi đát. Các nguyên thủ quốc gia, nhất là ghế Thủ tướng bị thay đổi liên tục vì không làm được việc.
Cuối thập niên 1980, Israel trải qua cơn siêu lạm phát: 111% trong năm 1979 và tỷ lệ này là 113% trong năm 1980. Sang năm 1984 thì mức lạm phát là 445%. Có câu chuyện vui mà người ta vẫn kể: nếu muốn đi từ Tel Aviv sang Jerusalem thì tốt hơn là bạn hãy đi taxi, bởi vì đi xe bus nghĩa là phải trả tiền trước, còn đi taxi thì trả tiền sau và trong thời gian đi đường thì giá trị đồng tiền đã giảm đi nhiều. Nguyên nhân lớn của tình trạng siêu lạm phát  này là: chính phủ vận dụng sai lầm một công cụ kìm chế lạm phát, đó là Chỉ số giá tiêu dùng CPI. Mọi thứ trong nền kinh tế – tiền lương, giá cả, chi phí thuê …. Đều gắn liền với chỉ số CPI. Thoạt đầu chính phủ sử dụng CPI để làm cho công chúng không cảm thấy sợ hãi lạm phát: lương tăng theo giá cả thị trường. Nhưng cũng chính CPI đã dẫn đến vòng xoáy siêu lạm phát khi sản xuất trong nước bị đình trệ.
Con đường khôi phục kinh tế?
Trong bối cảnh này, Intel mở cửa hàng kinh doanh tại Israel  thật sự là điều gây ấn tượng. Nhưng còn gây “sốc” nhiều hơn là sự hồi phục kinh tế của Israel trong vòng 3 thập niên sau đó, đất nước chuyển mình từ một quốc gia ngăn cách, “quê mùa” để trở thành một trung tâm công nghệ cao. Điện thoại di động được sử dụng rộng rãi, internet cũng vậy. Hầu như trẻ em nào trên 10 tuổi cũng đều có một điện thoại di động.
Tel Aviv trở thành nơi “tốt nhất để kinh doanh công nghệ viễn thông”. Nhà hàng McDonald’s đầu tiên được khai trương tại Israel vào năm 1993 và hiệ nay đã có tổng cộng 150 nhà hàng thức ăn nhanh này trên toàn quốc.
Có thể nói: Đầu tư nước ngoài vào Israel đã giúp phục hồi nền kinh tế.
Đến năm 1990 thì nền kinh tế vẫn chưa đủ sức để “vốn hóa” các tài năng kinh doanh  mà  nền văn hóa và môi trường quân đội Israel đã ươm mầm từ lâu. Đến khi Bộ trưởng Tài chính Shimon Peres dẫn đầu công cuộc cải cách và bình ổn kinh tế bằng một kế hoạch được phát triển bởi Ngoại trưởng Mỹ (George Shultz) và chuyên gia kinh tế của Quỹ tiền tệ Quốc tế Stanley Fischer. Kế hoạch này cắt giảm phần lớn các khoản nợ công, tái cấu trúc vai trò của nhà nước trong các thị trường vốn. Nhưng chưa đủ để kinh tế Israel có được sự năng động mang tinh thần doanh nhân.
Để kinh tế cất cánh, Israel cần 3 yếu tố then chốt: một làn sóng nhập cư mới, một cuộc chiến tranh mới và một ngành kinh doanh vốn đầu tư mạo hiểm.

Chương 7: Người nhập cư
Phần III: Những khởi đầu
Những người nhập cư là những người gánh chịu rủi ro. Một quốc gia của những người nhập cư là một đất nước của các doanh nhân. – GIDI GRINSTEIN
Năm 1984, cậu bé Shlomo Molla mới 16 tuổi đã quyết định đi từ ngôi làng nhỏ của mình ở phía bắc Ethiopia để sang Israel, cùng với 17 người bạn đồng trang lứa khác. Ngôi làng của cậu đang ở là một làng hẻo lánh xa xôi, biệt lập với thế giới hiện đại.
Cậu cũng là người gốc Do Thái, đã cùng gia đình tha hương đến làng này. Các thiếu niên đi bộ theo hướng bắc, để tìm đến Jerusalem, sau khi vượt qua Sudan, Ai Cập và sa mạc Sinai bằng chính đôi chân của họ. Vượt qua chặng đường dài hơn 500 dặm, họ đến biên giới Sudan, tại đây có một thiếu niên bị lính biên phòng Sudan hạ sát khi vượt biên giới. Số còn lại đều bị bắt, giam giữ và tra tấn trong 91 ngày.
Sau đó 17 thiếu niên được giao sang 1 trại tị nạn trong lãnh thổ Sudan, nơi đây Molla gặp một người da trắng. Ông ta nói “tôi biết các cậu là ai và muốn về đâu, tôi đến để giúp các cậu.” Sau đó, các thiếu niên này cùng với hàng trăm người Ethiopia khác được dồn vào một máy bay và bay sang Israel. Đây là một nỗ lực trong chiến dịch Moses – mang hơn 8,000 người Ethiopia gốc Do Thái trở về tổ quốc Israel. Tuổi trung bình của nhóm này là 14.
Hiện nay Molla đang là Nghị sĩ của Israel, anh là một trong hai người Ethiopia gốc Do Thái được bầu vào cơ quan dân biểu này. Hầu hết dân Ethiopia nhập cư vào Israel đều không biết đọc – viết ngôn ngữ mẹ đẻ.
Sau chiến dịch Moses, Israel mở tiếp chiến dịch Solomon và đón về đất nước thêm 14,500 người Ethiopia gốc Do Thái nữa, cũng bằng đường hàng không. Một kỷ lục bay đã được thiết lập trong 1 chuyến bay từ Ethiopia về Israel: trên chiếc El Al  747, có đến 1,122 hành khách (máy bay được thiết kế để chở tối đa 760 người)! Trong chuyến bay này cũng có 2 trẻ sơ sinh ra đời.
Tính đến cuối thập niên 90, tổng cộng khoảng 40 ngàn người Ethiopia gốc Do Thái được nhập cư vào Israel. Cùng thời gian này, rất nhiều người Do Thái đang sống tại những nước thuộc Liên bang Xô Viết (cũ)cũng quay về tổ quốc.
Ngôi trường trung học Shevach-Mofet tại Tel Aviv một hôm trở nên nhộn nhịp: có 2 người Mỹ đến thăm trường. Họ đi vào bằng cửa sau của trường, bắt tay báo giới và thông tin cho biết: họ chỉ dừng lại Israel tại 2 nơi: văn phòng Thủ tướng và trường trung học này mà thôi.
Cả hội trường đầy ắp học sinh và thầy cô giáo đồng loạt reo hò, vỗ tay tán thưởng khi nhận ra 2 người khách Hoa Kỳ này là Sergey Brin và Larry Page – 2 sáng lập viên, chủ sở hữu của Google (trang web tìm kiếm lớn nhất thế giới hiện nay). Sergey Brin, nói bằng tiếng Nga “các bạn biết không, tôi nhập cư vào nước Nga khi 6 tuổi, cha tôi là một giáo sư môn Toán và tôi đến thăm ngôi trường của các bạn vì vừa được biết tin có 7 học sinh ở đây năm trong số 10 em giỏi Toán nhất nước Israel. Tôi biết, trường Shevach-Mofet là trường trung học danh tiếng, điều kiện nhập học rất khắt khe, dành cho các học sinh người Nga, gốc Do Thái. Điều mà tôi muốn hỏi là: vậy thì 3 em học sinh giỏi kia đến từ các trường nào khác?”
Sự thật là từ đầu thập niên 1990, khi Liên Xô tan rã, làn sóng nhập cư vào Israel từ các nước cộng hòa thành viên cũ trở nên ồ ạt với số lượng lớn hơn bao giờ hết. Ngôi trường này phát triển nhanh chất lượng giáo dục đào tạo là nhờ những người nhập cư từ Nga, họ giỏi các môn khoa  học như Toán, Vật Lý và truyền thụ kiến thức cho học sinh một cách hiệu quả, luôn cả người lớn nếu sẵn lòng đi học các lớp ban đêm.
Hiện nay, trong tổng số 7.1 triệu dân Israel thì có đến 1/3 là người được sinh ra ở nước ngoài. David McWilliam, một nhà kinh tế học người Ai Len đã viết trong phương pháp của ông về việc xử lý dữ liệu của người nhập cư: “người ta có thể ước lượng mức độ đa dạng của dân cư trong một khu vực bằng cách: ngửi xem có bao nhiêu mùi thức ăn trên đường phố, và cách chọn lựa thực đơn tại quán xá, nhà hàng. Tại Israel, bạn hầu như có thể ăn bất cứ món gì trên thế giới!” Israel hiện là tổ quốc của hơn 70 dân tộc và văn hóa khác nhau, trong đó người Nga gốc Do Thái chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người nhập cư.
Một người Nga gốc Do Thái giải thích “đối với những đứa con của Israel được ra đời tại nước Nga, lớn lên bằng dòng sữa mẹ thì chúng tôi thấu hiểu rằng “cần phải trở thành một ngoại lệ vượt trội trong bất cứ bộ môn nào: toán học, âm nhạc, cờ hay y khoa …. bởi vì mình là người Do Thái. Đó là cách duy nhất để tự bảo vệ mình. Người Do Thái ở Nga trong  mọi tình huống, lĩnh vực đều chịu sự phân biệt đối xử và phải chịu bất lợi trước dân gốc Nga.” Vậy nên ở nước Nga, dân gốc Do Thái chỉ chiếm 2% tổng dân số nhưng 30% bác sĩ, 20% kỹ sư Nga là người gốc Do Thái.
Giữa thập niên 1990, khi dòng người Nga gốc Do Thái nhập cư ồ ạt về cố quốc cũng là lúc thế giới diễn ra sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ cao, và khối kỹ thuật tư nhân tại Israel đang khao khát các kỹ sư. Hiện nay giới kỹ sư của Israel cũng có tỷ lệ người nói tiếng Nga rất cao.
Dòng người nhập cư này không giàu có gì mấy, họ phải chấp nhận rủi ro và bắt đầu lại cuộc sống từ đầu. Đó là lý do tại sao  Israel xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập. Nguyên nhân là các động cơ mang tính kinh tế. Hãy xem xét : các công dân Tây Âu, xuất thân trong những gia đình danh giá, có học và sau khi học xong họ thường làm việc trong các cơ quan tổ chức đã có tên tuổi, chứ không mạo hiểm tự tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của riêng mình. Cần gì phải tạo dựng cái mới? Tại Israel thì khác.
Đây là nơi của những người nhập cư. Họ cần tạo dựng từ đầu. Những người nhập cư phải nhận lãnh rủi ro, và đất nước của những người nhập cư luôn luôn là đất nước của các doanh nghiệp mới thành lập, quy mô nhỏ.
Chính phủ Israel cũng xây dựng các chính sách rất đặc thù để tiếp đón và giúp những người nhập cư hòa nhập cộng đồng. Còn nhớ trong thế kỷ 17, 18 và 19 tại nước Mỹ thì những người nhập cư cũng từng được chào đón, nhưng họ không cởi mở với dân nhập cư gốc Do Thái. Đến sau Thế chiến thứ II thì Hoa Kỳ cũng vẫn thắt chặt chế độ nhập cư đối với người gốc Do Thái, cho rằng dân tộc này kém cỏi, thiếu năng lực tư duy. Canana và thế giới Phương Tây cũng vậy. Đối với nhiều người Israel thì họ chẳng có nơi nào để mà tị nạn, trong khi quê hương bị tàn phá bởi chiến tranh triền miên. Chỉ 2 năm sau khi tuyên bố độc lập và nhà nước ra đời, năm 1950 chính phủ Israel đã ra Đạo luật Hồi hương, theo đó “mọi người gốc Do Thái, hoặc mang dòng máu Do Thái đều có quyền trở lại đất nước mình, không hạn chế.” Then chốt hơn là: những người nhập cư không bị xem xét quá chi tiết về yếu tố nguồn gốc dân tộc hay địa vị kinh tế.
Hầu như ai muốn nhập cư vào Israel cũng đều được hoan nghênh. Cơ quan phụ trách nhập cư của Israel chỉ quan tâm đến việc: làm thế nào để phát triển số lượng người nhập cư. Bản thân nhân dân Israel cũng muốn như vậy, họ rất buồn khi nghe tin trên báo đài rằng “năm nay số lượng dân nhập cư thấp hơn năm ngoái.”
Một thông tin mà giới truyền thông đại chúng ít khi nhắc đến: sau Thế chiến II, có khoảng 350,000 người Romania gốc Do Thái bị chính quyền Cộng sản nước này đàn áp, đe dọa nếu họ tìm cách rời khỏi Romania. Ban đầu chính phủ Israel muốn cung cấp cho Romania các dàn khoan dầu và hệ thống đường ống dẫn, đổi lại là 100,000 visa nhập cảnh.
Nhưng đến đầu năm 1960, nhà độc tài Nicolae Ceausescu đòi tiền mặt mới cho phép những người Romania gốc Do Thái hồi hương, và chính phủ Israel đã trả cho nhà độc tài này tổng cộng 112 triệu dollar để đổi lấy 40,577 con người Do Thái. Được đón về tổ quốc, những người gốc Do Thái được dạy lại ngôn ngữ mẹ đẻ: 5 giờ mỗi ngày, và trong ít nhất là 6 tháng liên tục. Thời gian học này, người nhập cư được nhà nước “bao cấp” các sinh hoạt phí. Bằng cấp học thuật của những người nhập cư này đều được tôn trọng tại Israel, tất nhiên vẫn phải tiến hành kiểm tra lại chuyên môn của từng người.
Cho đến nay, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cư vẫn không thay đổi.

Chương 8: Cộng đồng Do thái ở nước ngoài
Phần III: Những khởi đầu
Tại hội thảo CISCO 2004 (tập đoàn máy tính viễn thông hàng đầu thế giới), CEO John Chambers phát biểu “chúng ta đã có những thành tựu nhảy vọt, từ khi thiết bị router lần đầu tiên được giới thiệu cách đây 20 năm.” Router là một thiết bị trong hệ thống máy tính, tương tự như modem, có công dụng liên kết các máy con vào mạng lưới Internet. Nếu coi Internet là một dòng sông của các dữ liệu thông tin, thì router là thiết bị ở các nhánh sông nhỏ, chúng quyết định lưu lượng thông tin chảy vào từng hệ thống và các máy tính cá nhân.
Trên thế giới chỉ có vài doanh nghiệp có khả năng sản xuất chế tạo được router chất lượng cao và CISCO là đơn vị đầu ngành – cũng như Microsoft dẫn đầu lĩnh vực phần mềm và Intel bá chủ trong mảng chip vi xử lý. Chambers sau đó trình bày về router mới nhất – CRS-1 với thời gian nghiên cứu là 4 năm và tổng kinh phí là 500 triệu dollar, đạt dung lượng 92 tetrabit mỗi giây.
Khó có thể tin nổi! Như vậy nếu sử dụng router CRS-1 thì người ta có thể tải về máy tính của mình (download) toàn bộ Thư viện của Quốc hội Mỹ chỉ trong vòng 4.6 giây đồng hồ. Trong khi nếu sử dụng modem cũ thì phải mất đến 82 năm trời.
Một trong các tác giả khởi xướng nên CRS-1 là Michael Laor – một người gốc Do Thái. Anh từng làm việc cho CISCO 11 năm và trở thành Giám đốc Kỹ thuật và Kiến trúc mạng. Năm 1997 anh quyết định quay về tổ quốc Israel. CISCO không muốn anh ra đi, trong khi Michael sẵn sàng từ bỏ một vị trí quản lý hàng đầu trong một tập đoàn hàng đầu thế giới. Vậy là CISCO tìm ra giải pháp: đồng ý để Michael Laor được thành lập một trung tâm R&D của CISCO tại Israel – một trung tâm đầu tiên của tập đoàn danh tiếng này nằm ngoài  lãnh thổ Hoa Kỳ.
Laor bắt đầu tranh luận về nhu cầu của một thiết bị router chất lượng cao, bất chấp có nhiều ý kiến phản đối kiểu như “ai mà cần thứ thiết bị với dung lượng khủng khiếp đến thế?” Nhưng Laor đã nhận ra nhu cầu lưu chuyển thông tin dung lượng lớn trên Internet, khi người ta muốn tải nhiều hình ảnh, video và các trò chơi. Đến năm 2004, tại hội thảo CISCO, khi anh trình bày router CRS-1 này thì quả thực toàn tập đoàn phải công nhận anh và nhóm nghiên cứu Israel đã nâng tầm công nghệ lên một trình độ mới. Giá bán của sản phẩm này là 2 triệu dollar, và khi tung ra thị trường nó đang mang về doanh thu rất lớn cho CISCO.
Đến năm 2008, CISCO đã mua lại tổng cộng 9 doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập tại Israel – số lượng cao nhất mà tập đoàn này từng mua lại ở nước ngoài, đồng thời bộ phận đầu tư của CISCO văn phòng chính cũng quyết định tăng tổng vốn đầu tư cho nhóm Israel lên 150 triệu dollar. Điều này khiến CISCO tại Israel trở thành bộ phận lớn nhất ở nước ngoài của tập đoàn, vượt xa CISCO Trung Quốc và CISCO Ấn Độ. Phần lớn nguyên nhân đến từ quyết định “hồi hương” của Michael Laor năm nào. Cũng như nhiều người Do Thái khác, Michael muốn hấp thu được tinh hoa từ các kiến thức và trải nghiệm ở Hoa Kỳ, phục vụ cho tập đoàn đa quốc gia CISCO và cũng muốn đóng góp cho nền kinh tế Israel.
Trong khi nhiều quốc gia khác trên thế giới phải khổ sở với hiện tượng “chảy máu chất xám ra nước ngoài” thì Michael Laor đã minh chứng rằng “dòng chảy chất xám, tri thức không phải là luôn luôn một chiều hướng ra nước ngoài, vẫn có những dòng chảy về Tổ quốc.”
Thực ra nhiều nhà nghiên cứu vấn đề nhập cư quốc tế đang ngày càng chú ý hơn đến hiện tượng mà họ gọi là “luân chuyển chất xám”: các nhân tài của quốc gia đi ra nước ngoài định cư để sau đó quay về phục vụ Tổ quốc. Trung Quốc, Ấn Độ và Israel đều thụ hưởng được các thành tựu từ phát triển vượt bậc về đầu tư và công nghệ, do sự lãnh đạo của 3 quốc gia này với những chính sách dành cho công dân ở nước ngoài, đặc biệt trong 2 thập niên vừa qua.
Israel đi đầu trong chiến lược này, quốc gia đã bắt đầu triển khai từ cuối thập niên 1980, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ chỉ mới thực hiện khoảng đầu những năm 2000. Trong lĩnh vực công nghệ cao, thậm chí giới nghiên cứu còn đặt riêng một cái tên “Argonauts” cho nhóm những người không phải gốc Hoa Kỳ, đi lại làm việc giữa Thung lũng Silicon và tổ quốc của họ để chuyển giao những tri thức mới, tiến bộ nhất thế giới về nước.
Chính sách “luân chuyển chất xám” là thành tố cực kỳ quan trọng trong hệ thống cải tiến, liên kết giữa tổ quốc Israel và cộng đồng Do Thái ở nước ngoài. Tất nhiên, cộng đồng Do Thái ở nước ngoài không chỉ đầu tư về tổ quốc hay mang chất xám về phục vụ đất nước chỉ vì lòng yêu nước “thuần túy” hoặc sự cảm thông, họ chỉ đơn giản là nhận ra: Israel đúng là nơi chốn có thể hoạt động kinh doanh, với hạ tầng cơ sở và các yếu tố pháp lý thông thoáng, phát triển cao độ.
Ngoài ra, chính phủ Israel cũng phải sáng tạo khi tận dụng cộng đồng Do Thái ở hải ngoại như chất xúc tác cho nhiều ngành nghề trong nền kinh tế nước nhà.
Một ví dụ điển hình là việc nhà nước Israel xây dựng ngành Không quân và Hàng không Dân dụng non trẻ.
Chuyện được khơi nguồn từ tinh thần phục quốc của một công dân Hoa Kỳ gốc Do Thái là Schwimmer, anh từng làm việc cho hãng hàng không Trans World Airline, Mỹ giai đoạn thập niên 1940 và mơ ước tổ quốc mình cũng xây dựng được một binh chủng Không quân Israel  hùng mạnh như của Hoa Kỳ.
Khao khát của anh càng cháy bỏng hơn khi biết tin rất nhiều đồng bào đã gục ngã sau Thế chiến II, phần lớn trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Ý tưởng của anh trong thập niên 1950 là: thế giới lúc đó đang dư thừa nhiều máy bay chiến đấu, bị hư hỏng sau khi tham chiến, cho nên Israel có thể mua lại số lượng lớn, với giá rẻ, rồi sửa chữa lại. Không chỉ các máy bay chiến đấu, mà Israel còn có thể mua các máy bay dân dụng chở hành khách và hàng hóa khác, cũng theo dạng này.
Trong dịp thủ tướng Ben-Gurion của Israel sang thăm Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1960, Schwimmer tranh thủ gặp ông. Khi đó anh đã liên hệ trước với Peres và bí mật trở thành thành viên trong Bộ quốc phòng Israel. Anh trình bày với Thủ tướng về ý tưởng cải tiến máy bay, phục vụ cho binh chủng Không quân Israel ngay tại California, Hoa Kỳ. Anh không biết Ben-Gurion đã có ý định này còn sớm hơn anh, cho nên khi vừa ngỏ lời thì Ben đã chấp nhận để anh về Israel và tổ chức một doanh nghiệp nhỏ, chuyên thu mua máy bay cũ, sau đó nâng cấp, sửa chữa, cải tiến lại để thành lập binh chủng Không quân và hãng hàng không dân dụng Israel.
Chỉ 5 năm sau khi ra đời, công ty tư nhân của Schwimmer  đã trở thành nhà tuyển dụng lao động lớn nhất Israel, quy tụ nhiều kỹ sư hàng không gốc Do Thái quay về Israel từ nhiều quốc gia khác nhau.
***


----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
Các BÀI VIẾT: link
Các HÌNH ẢNH: link
Các BÀI GIẢNG: link
Sáng tạo đổi mới tái xuất giang hồ: link

Chìa khóa vàng dẫn dắt thành công trong sáng tạo đổi mới: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét