Khi vật lộn tạo dựng nền tảng mạnh mẽ hơn cho phát triển bền vững trong tương lai, các quốc thực sự rất cần tập trung cho những chính sách cổ vũ sáng tạo. Nhiều bằng chứng nghiên cứu thực nghiệm, qua các khoảng thời gian khác nhau và tại nhiều quốc gia, cùng xác nhận rằng sáng tạo/đổi mới là nguồn động lực chủ đạo của thay đổi công nghệ và tăng trưởng năng suất lao động. Đầu tư vào nghiên cứu và sáng tạo (R&D), cũng như lực lượng lao động kỹ thuật và khoa học, chính xác là đầu kéo của năng lực cạnh tranh và sáng tạo quốc gia.
Theo một nghiên cứu của National Science Board – cơ quan chính phủ trực thuộc National Science Foundation (Hoa Kỳ) – xu hướng gia tăng đầu tư cho R&D thể hiện rất rõ ràng ở mỗi quốc gia cũng như các khu vực. Điều này ra chỉ rằng, bối cảnh sáng tạo toàn cầu đã có những dịch chuyển rất đáng kể trong một thập kỷ vừa qua.
Các nền kinh tế châu Á, đặc biệt Trung Quốc và Hàn Quốc, đi tiên phong trong xu thế mới bằng những nỗ lực tăng cường đầu tư cho R&D và giáo dục đào tạo khoa học kỹ thuật, nhằm đảm bảo vị thế trung tâm sáng tạo của thế giới. Cùng lúc đó, Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản dường như buộc phải giảm bớt đầu tư cho R&D do còn bận đối phó với những gánh nặng nợ.Dẫu vậy, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu trong đầu tư R&D, với mức chi 400 tỷ USD trong năm 2009 – một phần được thúc đẩy nhờ gói kích thích tăng trưởng của Tổng thống Obama, cao hơn mức đầu tư của Trung Quốc, Nhật Bản và Đức gộp lại. Nếu tính theo tỷ lệ của GDP, Hoa Kỳ (năm 2009) chỉ xếp hàng thứ tám thế giới với đầu tư cho R&D tương đương 2,9% GDP.
52% chi phí đầu tư R&D (2009) của Hoa Kỳ được thực hiện trong lĩnh vực quốc phòng. Tỷ lệ này trong 25 năm gần đây đều ở trên mức 50%. Trong thập kỷ tới đây, chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ làm giảm đáng kể đầu tư cho R&D trong lĩnh vực này tại Hoa Kỳ.
Trong 10 năm, từ 1999 đến 2009, chi phí R&D toàn cầu đã tăng trưởng với mức bình quân 7%/năm, nếu tính riêng 5 năm cuối thì mức tăng trưởng là 8%/năm bất chấp nền kinh tế thế giới đang suy thoái. Suốt giai đoạn này, đầu tư vào R&D luôn tăng nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thể hiện đồng thời qua gia tăng hỗ trợ từ chính phủ và tỷ trọng lớn hơn của các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất và thương mại toàn cầu.
Trên khắp thế giới, khu vực kinh doanh tiếp tục thể hiện vừa là đối tượng có năng lực sáng tạo mạnh nhất, vừa là nhà tài trợ lớn nhất cho R&D. Trong năm 2009, khu vực kinh doanh đóng góp 75% ngân sách R&D tại Nhật Bản, 73% tại Hàn Quốc, 72% tại Trung Quốc, 67% tại Đức và 60% tại Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ – nơi các tập đoàn là những nhà đầu tư lớn nhất vào R&D, mà nếu tính theo sức mua tuyệt đối thì gấp đôi mức chi cho R&D của các tập đoàn Nhật Bản – tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân vào R&D so với GDP chỉ thay đổi rất nhỏ. Trong khi đó, tỷ lệ này tăng mạnh tại Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Israel.
Các tập đoàn đa quốc gia toàn cầu là những nhà đầu tư mạnh mẽ nhất vào R&D. Cuộc chiến cạnh tranh toàn cầu trong hoạt động R&D giữa các tập đoàn sẽ còn khốc liệt hơn trong thập kỷ tới.
Rất nhiều quốc gia đã đưa ra những chính sách hỗ trợ tín dụng và giảm thuế đáng kể để thúc đẩy đầu tư R&D. Các quốc gia châu Á càng đặc biệt tích cực đưa ra nhiều chính sách cổ vũ đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Nhận thức về ý nghĩa quan trọng của lực lượng lao động sở hữu kiến thức và kỹ năng sáng tạo cần thiết đã trở thành nhân tố quyết định trong việc xác định địa điểm đặt cơ sở thực hiện R&D. Phần đông các quốc gia đang đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục đại học và huấn luyện sáng tạo trong các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Bức tranh kinh tế thế giới ghi nhận sự tích cực của các nền kinh tế mới nổi trong khai thác lợi thế ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Đầu tư và hoạt động R&D của các tập đoàn đa quốc gia cũng trở nên linh hoạt hơn và di chuyển rộng khắp hơn giữa các quốc gia.
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét