Nhân lực ngành công nghiệp sáng tạo: Thiếu... từ nguồn đào tạo

Người đăng: Unknown on Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://congnghiepsangtao.vn/4551/news-detail/486644/thong-tin-trong-nuoc/nhan-luc-nganh-cong-nghiep-sang-tao-thieu-tu-nguon-dao-tao.html
Nhân lực - hiếm có khó tìm
Trong nhiều lĩnh vực, nước ta không thiếu nhân tài. Thế nhưng, khi ngành công nghiệp sáng tạo phát triển thì các công ty rất khó tìm được nguồn nhân lực chuyên sâu như mong muốn.
VNGame, một công ty  sản xuất game rất cần đến những ý tưởng sáng tạo để làm nên một sản phẩm game chất lượng cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực. Công ty phải tự thiết kế ra một hình thức để tìm kiếm và tuyển dụng nhân sự. Như lựa chọn từ một số ngành nhất định ở các trường xã hội nhân văn, marketting... rồi dùng bản test sáng tạo để xác định khả năng sáng tạo của mỗi người.
“Đa số sinh viên chỉ được làm thiết kế đơn giản chứ không vào được bộ phận mỹ thuật” - Tổng giám đốc Công ty Bates 141 Việt Nam Nguyễn Tuệ nhận định. Nhiều công ty khi tuyển dụng nhân viên chỉ đáp ứng được kỹ thuật xử lý hình ảnh, do những người mới tốt nghiệp chưa có kỹ năng đưa ra các ý tưởng mới ngoài những gì đã phác thảo sẵn cho họ. Do vậy, nếu có tuyển vào thì họ phải chấp nhận mất thời gian đào tạo lại nhân viên. Hoặc an toàn hơn là tìm đến nhân sự đã tốt nghiệp các đại học do nước ngoài sở hữu hoặc quản lý. Bởi những trường quốc tế hàng đầu tại Việt Nam có các chương trình và phương pháp đào tạo thích hợp hơn với nhu cầu của những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, ví dụ các hãng quảng cáo hay sản xuất sáng tạo.
Ngành công nghiệp thời trang cũng rơi vào tình cảnh khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự thiết kế. Thế nên sản phẩm thời trang trong nước, hiện chỉ có 30% số mẫu thiết kế là của trong nước, 70% là sao chép từ nước ngoài. Nhà thiết kế Minh Hạnh, Viện trưởng Viện Mẫu thời trang Việt Nam (Fadin) chia sẻ: nếu xem quy trình sản phẩm thời trang từ A-Z thì ngành thời trang Việt Nam đi theo quy trình từ B-Z ở các khâu như sản xuất, phân phối. Còn khâu đầu tiên là thiết kế lại chưa thực hiện được. Ngành thiết kế đã 10 năm tự lập và có những bước phát triển đáng kể nhưng chỉ mới cung cấp được một số nhà thiết kế cho các công ty lớn.
Chưa được đào tạo bài bản, chính quy
Hiện nay, doanh thu ngành công nghiệp sáng tạo trên toàn thế giới vào khoảng 3.000 tỷ USD. Và ở Việt Nam doanh thu từ dịch vụ quảng cáo năm 2006 đạt hơn 6.000 tỷ đồng (khoảng 0,6% GDP), trong đó quảng cáo trực tuyến khoảng 300 tỷ đồng; doanh thu của ngành công nghiệp phần mềm VN đạt 880 triệu USD, chiếm 0,4% GDP năm 2009; lĩnh vực xuất bản sách năm 2009 đã đạt 1,5 tỷ USD. Rõ ràng, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên theo GS Robert Ely, Hiệu trưởng Học viện Nghệ thuật LASALLE Singapore khi tới tìm hiểu ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam “Để có được một phần trong chiếc bánh của nền công nghiệp sáng tạo, Việt Nam cần có một đội ngũ các nghệ sỹ, doanh nhân và các nhà sáng chế được đào tạo bài bản”.  Thực tế, các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam chưa đào tạo bài bản, chính quy cho đối tượng này. Việt Nam hiện vẫn tập trung chủ yếu đào tạo nguồn nhân lực lành nghề của lĩnh vực thủ công và xã hội thay vì những hoạt động sáng tạo và marketing.
Bà Minh Hạnh cũng cho biết thêm: nguồn nhân lực thiết kế Việt Nam rất nhiều với đội ngũ trẻ giàu tiềm năng sáng tạo, nhưng chỉ là bẩm sinh mà không được đào tạo thì không thể đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh. Do đó, phải đặt đào tạo lên hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay các trường có đào tạo lĩnh vực thiết kế hạn chế về giáo trình lẫn đội ngũ giảng dạy. Đặc biệt, với phương pháp dạy học thụ động vẫn diễn ra khá phổ biến trong cách học tại Việt Nam thì sẽ rất khó giúp cho sinh viên có điều kiện phát huy sự chủ động sáng tạo của mình.
Bên cạnh đó, hầu hết các đại học trong nước đều không hoặc ít quan tâm đến chương trình thực tập của sinh viên. Chất lượng hướng dẫn thực tập thậm chí còn thấp hơn. Do đó, sinh viên khó chủ động, sáng tạo trong công việc. Nếu bắt buộc phải thực tập trong môi trường phù hợp, có người hướng dẫn chuyên môn riêng, thì sẽ có thêm nhiều sinh viên tốt nghiệp với tinh thần “sẵn sàng bước vào cuộc sống”. Một số trường đại học quốc tế cũng nỗ lực bố trí thực tập. Nhưng tìm chỗ thực tập, cũng như người hướng dẫn phù hợp tại doanh nghiệp không dễ dàng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải coi việc hướng dẫn sinh viên thực tập là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Họ cần có nhữäng chuyên gia giàu kinh nghiệm chỉ dẫn và đánh giá tận tình. Khắc phục được tình trạng trên mới hy vọng đội ngũ nhân lực của ngành công nghiệp sáng tạo bắt kịp được những yêu cầu mới của thời đại.
- Theo định nghĩa mà người Anh đưa ra năm 1998: “Công nghiệp sáng tạo là những hoạt động bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu của cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải, việc làm qua quá trình khai thác quyền sở hữu trí tuệ”.
- Các ngành công nghiệp sáng tạo có thể khác nhau tùy theo đặc thù của mỗi vùng, mỗi quốc gia. Các ngành công nghiệp sáng tạo mà nhiều nước trên thế giới đưa ra gần tương đồng với nhóm ngành công nghiệp văn hóa mà Bộ VH-TT và DL Việt Nam đưa ra, trong đó có các ngành như xuất bản, báo chí, quảng cáo, thời trang... mang nhiều chất sáng tạo và có cả những ngành mang tính lưu truyền, bảo tồn như nghệ thuật biểu diễn.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét