Các loại rủi ro trong khởi nghiệp kinh doanh

Người đăng: Unknown on Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

1. Thái độ đối với rủi ro.
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Đêm qua nằm mơ thấy con heo kêu éc éc, tôi muốn đánh số đề thử vận may. Ngài tiên sinh có cao kiến chi xin thỉnh giáo?
Quân sư quạt mo:
-         Về thái độ đối với rủi ro, có thể chia các phó thường dân trên khắp vũ trụ này thành ba nhóm như sau:
-         Nhóm thứ nhất, gồm các phó thường dân chơi: vé số, số đề, xóc đĩa, tiến lên, đá gà, cá độ bóng đá, tứ sắc, xập xám, xí ngầu, bầu cua tôm cá gà nai,…
-         Nhóm thứ hai, gồm các phó thường dân mua các loại bảo hiểm: cháy nổ, tai nạn, hỏa hoạn, nhân thọ, mất xe, lưỡi, mũi, gọng ca,…
-         Nhóm thứ ba, gồm các phó thường dân còn lại.
Tính tương đối giữa rủi ro và phòng ngừa rủi ro.(ảnh: nguồn internet)
-         Không xét đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội vì đây là những loại hình bào hiểm mang tính đại trà. Ngươi để ý mà xem, nhóm thứ nhất luôn trông mong sự kiện xảy rađa phầnlà người lao động. Trong khi đó, nhóm thứ hailuôn trông mong sự kiện đừng xảy rađa phần là dân kinh doanh.
-         Rõ ràng, có sự khác biệt về thái độ ứng xử đối với rủi ro giữa nhóm người làm công và nhóm người làm chủ doanh nghiệp.
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Các rủi ro trong kinh doanh có thể phân loại ra sao?
Quân sư quạt mo:
-         Có nhiều cách phân loại rủi ro khác nhau, tuy nhiên đối với giai đoạn khởi nghiệp kinh doanh thì nên phân loại các rủi ro thành 4 nhóm như sau:
-         Thứ nhấtlà nhóm rủi ro thiên tai, chẳng hạn một trang trại nuôi tôm cá ở ven biển bị sóng thần cuốn trôi sạch trơn. Trong các lĩnh vực của nền kinh tế thì nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động của rủi ro thiên tai nhiều nhất. Đây cũng là lĩnh vực “khó gặm” nhất, ngay cả đối với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên nghiệp. Bằng chứng là tỉ trọng doanh thu và danh mục sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp cực kỳ đơn điệu so với các nhánh bảo hiểm khác như: hàng hải, giao thông, nhân thọ,… Khởi nghiệp kinh doanh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn không thể không tính đến yếu tố rủi ro thiên tai.
-         Thứ hailà nhóm rủi ro vận hành, chẳng hạn quảng cáo nhầm nội dung, giao nhầm hàng cho khách hàng. Với các doanh nghiệp lớn, rủi ro kinh doanh thường được kiểm soát một cách có hệ thống. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp khởi nghiệp rủi ro vận hành xảy ra như cơm bữa, nguyên nhân là do kỹ năng quản trị nhân sự và tổ chức bộ máy làm việc còn nhiều hạn chế.  
-         Thứ balà nhóm rủi ro tài chính, chẳng hạn lấy vốn vay ngắn hạn đi đầu tư dài hạn, đến lúc chủ nợ đòi thì dự án đầu tư chưa kịp sinh lời để thanh toán. Trong giai đoạn khởi nghiệp kinh doanh, một bộ phận vốn vay được vay từ các mối quan hệ gia đình, bạn bè, người thân. Khi không thể trả nợ đúng hạn sẽ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ các mối quan hệ đó. Cái giá phải trả cho rủi ro tài chính không còn giới hạn trong phạm vi tài chính mà loang sang cả phương diện xã hội.
-         Thứ tưlà nhóm rủi ro chiến lược.
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Rủi ro trong kinh doanh nguy hiểm cỡ nào, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Rủi ro trong kinh doanh chẳng khác chi rủi ro trong… đào ngạch, đục tường, khoét vách, mở ổ khóa.
Mở trúng chìa, tiền bạc trước mặt.
Mở trật chìa, nhà tù sau lưng. (ảnh: nguồn internet)

2. Nhóm rủi ro thiên tai.
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Xin thỉnh giáo nhóm rủi ro thiên tai, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường thời đồ đá đối diện với nhóm rủi ro thiên tai như: động đất, sóng thần, núi lửa, bão từ, va chạm giữa trái đất với thiên thạch, mặt trời ngừng phát ánh sáng, trái đất bể ra làm đôi,…
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Ôi! Chuyện nhỏ! Mấy thứ rủi ro này tôi chẳng ngán. Nếu xảy ra thì dính cả chùm chứ chẳng riêng ai, coi như huề cả làng. Vì vậy, tôi quyết định bỏ qua nhóm rủi ro này.
Quân sư quạt mo:
-         Thái độ của ngươi đối với rủi ro thiên tai như thế là rất hiên ngang. Ngươi nên nhớ, vào thời computer một trận động đất kéo theo sóng thần đã phá hủy mấy nhà máy điện hạt nhân của bộ lạc Phù Tang quê hương hoa anh đào. Một năm sau tai nạn, tất cả các nhà máy điện hạt nhân còn lại đều được cho về hưu non.
Quân bảo hiểm khốn nạn! Ngày thường quấy ông sáng trưa chiều tối!
 Giờ chẳng thấy mặt mũi đâu cả! ặc… ặc…(ảnh: nguồn internet)
-         Doanh nghiệp thời đồ đá của ngươi chỉ có mấy cục đá thì cần gì phải lăn tăn. Tuy nhiên, những người hiên ngang như ngươi thường là nạn nhân số 1 của các rủi ro nhỏ như: cây ngã đè, điện giật, sụp hố ga,… và thường không dính chùm với ai!

3. Nhóm rủi ro vận hành.
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Xin thỉnh giáo về rủi ro vận hành, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Nhóm rủi ro vận hành gồm những biểu hiện như: quảng cáo nhầm nội dung, website không truy cập được, mất trộm trang thiết bị, nhân viên nghỉ việc không báo trước, tai nạn lao động, cháy nổ do không tắt điện cuối giờ làm việc, giao hàng không đúng tiến độ, linh kiện cần mua không có trên thị trường, kế toán và thủ quỹ yêu nhau, khách hàng kiện cáo ra công đường,
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Xin tiếp tục lắng nghe, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Ôi! Excuse me! Nhóm rủi ro này Ta có kể liên tục suốt 1.001 đêm như nàng Sheherazade cũng không thể hết được! I am very sorry!
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Thú thật, tôi vô cùng sợ nhóm rủi ro này. Những điều ngài nói đều xảy ra như cơm bữa, có xa lạ gì với tôi đâu. Tình thế của tôi chẳng khác chi chiếc thuyền gỗ mục, bịt được chổ này xì chổ khác.
-         Quanh năm suốt tháng lo tìm khe nước để trám, đầu óc đâu nữa mà nghĩ đến chiến lược phát triển công nghệ hay kinh doanh! Ra bên ngoài, tôi đường đường là một Tổng đốc tiên sinh nhưng về đến cơ quan thì thất điên bát đảo ba đầu sáu tay chứ sung sướng gì cho cam! Ngài tiên sinh có cao kiến chi xin thỉnh giáo!
Nữ CEO xinh đẹp một đầu, hai chân và sáu tay. (ảnh: nguồn internet)
Quân sư quạt mo:
-         Thái độ của ngươi đối với rủi ro vận hành như thế là rất muộn còn hơn không! Để ứng phó nhóm rủi ro này ngươi nên dùng một số công cụ sau: Thứ nhất, bảng mô tả công việc. Thứ hai, hệ thống qui trình - biểu mẫu xử lý công việc. Thứ ba, hệ thống báo cáo - kế hoạch. Thứ tư, hệ thống kiểm soát nội bộ.
-         MCác doanh nghiệp nhượng quyền thương hiệu họ gom mấy thứ trên gộp thành một cuốn cẩm nang hoạt động hàng ngày. Nhân viên bên nhận nhượng quyền thương hiệu cứ thế mà làm như cái máy.
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Tôi là Tổng đốc xuất thân từ thầy đồ chỉ quen ngõ đầu trẻ trường mẫu giáo làng chứ không quen gõ đầu nhân viên. Xin thỉnh giáo ngài tiên sinh!
Quân sư quạt mo:
-         Nếu ôm đồm tự mình giải quyết công việc thì ngươi đã thiếu… lễ độ với kho tàng tri thức của nhân loại về nhân thuậttừ thời tối cổ đến thời đồ đá và cả từ thời đồ đá đến thời computer. Các học thuyết về tâm lý học, quản trị học, xã hội học, kinh tế học, thôi miên học, tội phạm học,… đều tập trung vào mối quan hệ giữa người này với người kia, chứ ít tập trung vào mối quan hệ giữa một người với chính họ!
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Nếu ôm đồm gánh việc thì đã sao nào, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Khi ôm đồm gánh việc thì ngươi quá tàn nhẫn với chính mình, quá lễ độ với nhân viên và quá thất thố với các bậc hậu sinh khả úy như: Sigmund Freud, Frederich Taylor, Abraham Maslow, Adam Smith, Chi-Ning-Chu, Peter Drucker, Herbert Spencer, Ferdinand Tonnies, Emile Durkheim, Max Weber, Stuart Hall, Eric Hobsbawm, Anthony Giddens, Jurgen Habemas,...
-         Về trình độ phân công lao động xã hội, nhân viên của ngươi quả là cao tay vì đã phân công tất cả công việc cho ngươi ôm hết! Thật đáng khâm phục nhân viên của ngươi!
Nguồn nhân lực chất lượng cao thời computer. (ảnh: nguồn internet)
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Lấy cái gì để gõ đầu nhân viên, thước kẻ trong trường mẫu giáo chăng, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Gần đúng! Nguyên lý bất di bất dịch trong việc điều hành một trường mẫu giáo là: để không trở nên hỗn loạn, trường mẫu giáo có thể thiếu mọi thứ - ngoại trừ kẹo và thước kẻ!
Nội qui cơ quan, lịch công tác tuần, báo cáo tháng,
 phiếu đề nghị,… hoàn toàn vô tác dụng với những
 người lớn có qui mô nhỏ này! (ảnh: nguồn internet)
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Người lớn và trẻ con liên quan thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Người lớn đích thị là trẻ con có qui mô lớn nên tất dùng cà rốtthay cho kẹo, tất dùng gậy thay cho thước kẻ. Vì vậy, thất bại trong việc tung hứng cà rốtgậylà thất bại mang tính tuyệt đối và toàn diện đối với tư cách một nhà lãnh đạo trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Nhân thuật đến mức thượng thừa. (ảnh: nguồn internet)
-         Trong trường mẫu giáo, các lớp đều chia thành nhiều tổ, mỗi tổ có tổ trưởng, tổ phó và tổ viên. Cô giáo ủy nhiệm cho ban lãnh đạo tổ dùng kẹo và thước kẻ của… cô giáo để thực tập về nhân thuật. Đó chính là vườn ươm nhân tài của làng ta thời đại đồ đá. Kết quả đạt được vô cùng mỹ mãn: tất cả CEO các tập đoàn lớn bé trong làng ta đều là cựu tổ trưởng, tổ phó hoặc… tổ viên thời đại mẫu giáo trường làng, còn các cô giáo thì không bao giờ trở thành… CEO - chỉ tập trung đào tạo CEO!
-         Với ủy nhiệm này, cô giáo rất nhàn hạ (mẫu giáo chưa học chữ!) - cô giáo ngủ trong giờ lên lớp cũng chẳng sao - đám trẻ con láo nháo… tự xử với nhau. Thỉnh thoảng cô giáo chỉ cần hé… một mắt, nếu bọn trẻ láo nháo quá thì can thiệp. Kẹo và thước kẻ có tác dụng phi thường trong việc quản trị nhân sự tại các trường mẫu giáo!
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Đã là CEO thì tung hứng tốt củ cà rốt và gậy, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Một số đại ca tuy mang chức danh sếp lớn, sếp nhỏ nhưng năng lực tung hứng cà rốt và gậy chưa được điêu luyện. Tình huống thứ nhất, chỉ tung hứng tốt cà rốt nên gậy vẫn còn nguyên xi hoặc… gãy. Tình huống thứ hai, chỉ tung hứng tốt gậy nên cà rốt bị ăn sạch hoặc chẳng có/còn ma nào để… gõ. Mỗi nhân viên có mô hình nhu cầu khác nhau nên cần có kịch bản tung hứng khác nhau.
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Lỡ gõ mạnh tay bị nhân viên cự nự thì xử trí thế nào, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Ngươi nên nhớ, một khi đã hành nghề thầy đồ thì mọi nam phụ lão ấu trong làng đều cắn răng khúm núm tự nhận làm môn sinh, dù ngươi chẳng huấn thị họ bữa nào. Làng ta đã có truyền thống một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy và không có chữ nào cũng… thầy! Làm cha thiên hạ đã là thứ dữ, đằng này thầy đồ được xếp thứ bậc trên cha thiên hạ, chỉ dưới vua theo bậc tam cấp Quân-Sư-Phụnên được cả làng trọng vọng.
-         Vì vậy, nhân viên nào dám cự nự ngươi - với tư cách một thương lái khoác áo thầy đồ - cả làng sẽ lao vào ném đá chúng nó chết tươi, ngay cả khi ngươi sai rành rành ra đó! Tuy nhiên, nếu ngươi gõ nhầm chỗ hiểm trên người nhân viên thì… to chuyện - cả làng sẽ lao vào ném đá ngươi dữ dội không kém.
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Nên gõ mạnh hay gõ nhẹ, thưa ngài tiên sinh?
Quân sư quạt mo:
-         Vấn đề không phải là gõ hay không gõ, gõ mạnh hay gõ nhẹ, gõ ít hay gõ nhiều, gõ nhanh hay gõ chậm, gõ trực tiếp hay gõ gián tiếp, gõ định kỳ hay gõ đột xuất, gõ báo trước hay gõ bất thình lình - mà vấn đề là gõ sao cho hiệu quả nhất!
Tổng đốc doanh nghiệp:
-         Một số doanh nghiệp eo hẹp kim ngân, lấy đâu ra cà rốt bựđể gõ cho ép phê, thưa ngài tiên sinh?
Một loại cà rốt phi tài chính. (ảnh: nguồn internet)
Quân sư quạt mo:
-         Ngươi ra chợ đầu mối rau-củ-quả sẽ thấy có nhiều loại cà rốt khác nhau. Thợ rau có nhiều phương pháp để làm bự cà rốt, chẳng hạn: bơm cà rốt, độn cà rốt, kéo dài cà rốt, trang trí cà rốt, ngâm cà rốt, nối cà rốt,… Dù đã rất thạo nghề nhưng các thợ rau vẫn thường lui tới các thẩm mỹ viện nam nữ để thỉnh giáo thêm về khoa học và nghệ thuật làm… bự. Sau đây là hai cách mà các thương lái hay chơi, ông tham khảo xem sao nhé.
-         Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp mặc dù kim ngân đông như kiến, nhưng Tổng đốc thương lái vẫn “chơi”trò pha vào rổ cà rốt những thứ cà rốt phi tài chính để giảm giá trị trung bình về tài chính của toàn bộ rổ cà rốt nhưng giá trị của rổ cà rốt vẫn tăng lên. Trong khi đó, một số doanh nghiệp dù eo hẹp kim ngân nhưng Tổng đốc chỉ thò ra thứ cà rốt tài chính và chẳng mấy quan tâm đến thứ cà rốt phi tài chính. Đúng là đã nghèo mà lại chơi sang, đã giàu mà còn chơi “gạt”!
-         Việc thò ra cái gì, thò lúc nào, thò bao nhiêu, thò bao lâu và thò nhằm vào ai thực chất là một nghệ thuật - y hệt môn bắn súng!
Nắm xôi… Bờm cười vào mũi Phú ông. (ảnh: nguồn internet)
-         Thứ hai, các Tổng đốc thương lái không đưa cà rốt trực tiếp cho nhân viên mà chỉ đưa “xẻng” cho nhân viên đi “đào” trong thiên hạ và trích nộp theo tỉ lệ ấn định. Nếu “đào” không đạt thì bị thu “xẻng”, chỉ đơn giản thế thôi! Vào thời đồ đá điều này được gọi là cơ chế khoán.
-         Còn trong thời computer - nhiều Tổng đốc làm ngược lại - đích thân cầm “xẻng” nai lưng đi “đào” rồi trích nộp cho nhân viên theo quy chế chi tiêu nội bộ. Trong tất cả các thời của loài người, không có thời nào mà nhân viên lại quan trọng và sướng như trong thời computer.

Làng Hạ, năm 6.000 trước Tây lịch thời đồ đá
Trần Ngọc Truyền


-----------------------------------------------------------------------------------------------
SÁNG TẠO DU KÝ - Nơi đánh thức và nuôi dưỡng những linh hồn sáng tạo!
Tự học sáng tạo qua BÀI VIẾT: link
Tự học sáng tạo qua HÌNH ẢNH: link
Tự học sáng tạo qua BÀI GIẢNG: link
Nhìn lại chặng đường năm đầu tiên: link

Bí mật Khóa học Business Innovation: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét