Tính xã hội của sáng tạo

Người đăng: Unknown on Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

1. Quan hệ xã hội và sự sáng tạo/đổi mới.
Đệ tử:
-         Xin cho biết sự khác biệt cơ bản nhất giữa con người và thú vật, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Giữa con người và thú vật có nhiều điểm khác biệt lắm đấy! Tuy nhiên, khác biệt mang tính cơ bản nhất là con người có tính hai mặt: con người sinh học và con người xã hội.
-         Trên phương diện sinh học, con người gồm có các bộ phận: đầu, mình và chân tay. Khi đi bệnh viện, tập thể dục, massage đấm bóp,... và đem chôn là bàn đến phương diện này. Khi nào đi ăn giỗ, kết hôn, chia tài sản kế thừa, kiện cáo ra công đường, xin việc, mất trộm,… là bàn đến phương diện xã hội của con người.
-         Ngươi để ý mà xem, thời nào cũng vậy thầy lang, thầy cãi và… thầy bói cũng đều khấm khá cả.
Tính xã hội của con người. (ảnh: nguồn internet)

Đệ tử:
-         Khi dân số tăng lên thì các chức danh quan hệ xã hội cũng tăng theo chứ, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Vào thời đồ đá, các cặp trai gái sinh đẻ thả ga, dưới chục đứa con được xem là gia đình neo đơn, còn dưới nửa chục coi như hiếm muộn. Trong khi đó, vào thời computer mỗi cặp trai gái thường chỉ có với nhau 0, 1, 2 con nên một số chức danh ngày càng tuyệt chủng. Không có chú lấy đâu ra thím, không có cậu đào đâu ra mợ, không có dì sao có dượng,…
-         Tuy nhiên, đau đầu hơn cả là sự xuất hiện các cặp gái gáinên không có bên nội mà có đến 2 bên ngoại. Ngược lại, cũng có các cặp trai trainên có đến 2 ông nội, 2 bà nội nhưng không có ông bà ngoại. E chừng sau này có trường hợp có 4 ông nội hoặc 4 bà ngoại chứ chẳng chơi.
Đệ tử:
-         Khi các chức danh quan hệ xã hội có xu hướng tuyệt chủng thì tính chất của các mối quan hệ giản lược đi chứ, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Không đâu! Chẳng hạn, trong các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bên cạnh quan hệ lao động còn có nhiều mối quan hệ khác tích hợp, đan xen rối tinh rối mù như nồi canh hẹ.
Hai kiểu quan hệ xã hội. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Xin cho một vài ví dụ, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Ôi! Nhiều vô số kể. Chẳng hạn, có trường hợp nữ thư ký lải nhải bắt Tổng Giám đốc đưa đi khám thai.
-         Có trường hợp Phó Giám đốc lẩm nhẩm gọi Chủ tịch Hội đồng Quản trị là “con khỉ già”, oang oang gọi Kế toán trưởng là “thiên nga”.
-         Có trường hợp nhân viên bô bô gọi sếp là sư phọ, sếp sang sảng gọi nhân viên là đệ tử.
-         Không thể đếm hết trường hợp nhân viên này lầu bầu bắt nhân viên kia đi đón con, mua tã.
-         Nghiêm trọng hơn cả là một số nhân viên nam bị đồng nghiệp nữ nẫng mất lương, kể cả phụ cấp và các khoản lặt vặt khác. Nói chung, chỉ có thời đồ đá là không vướng vào ba thứ đại khổ: "con thầy, em bạn, gái cơ quan". 
Hai kiểu quan hệ xã hội. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Trong một môi trường chằng chịt các mối quan hệ xã hội như thế, hoạt động sáng tạo/đổi mới bị tác động như thế nào, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Trong một mớ bòng bong rối tinh rối mù như thế, sáng tạo/đổi mới không khéo chỉ tổ đau đầu lại thêm rách việc. Lúc ban đầu có thể hăng hái nhưng ngày càng thấy đau đầu, rách việc nên giảm dần giảm dần và cuối cùng là đâm ra sợ sáng tạo/đổi mới như sợ dịch hạch.
Đệ tử:
-         Vậy phải làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Để hoạt động sáng tạo/đổi mới có hiệu quả không chỉ cần trang bị tư duy và phương pháp sáng tạo mà còn cần phải xây dựng văn hóa và môi trường lao động hỗ trợ mạnh cho sự sáng tạo/đổi mới.
Đệ tử:
-         Quan hệ xã hội có tác động nghê gớm đến hiệu quả của hoạt động sáng tạo/đổi mới, vậy hãy so sánh mô hình sáng tạo/đổi mới trong 3 xã hội khác nhau đó là: xã hội 1 người, xã hội 2 người và xã hội nhiều người, thưa sư phụ tiên sinh?

2. Sáng tạo/đổi mới trong xã hội 1 người.
Sư phụ:
-         Ok! Trước tiên là mô hình sáng tạo/đổi mới trong xã hội có 1 người.
-         Khi xưa có một anh chàng tên là Robinson, thông minh sáng dạ hơn người, lúc nào cũng có nhiều ý kiến ý cò nên chẳng mấy ai ưa. Sau nhiều năm đèn sách, cuối cùng chàng cũng tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin trường mẫu giáo làng, chuyên ngành phần cứng. Khi đi làm, công việc thường nhật của chàng là sửa máy tính dạo ở một vùng quê trù phú bình yên.
Các tư thế sửa chữa máy vi tính. (ảnh: nguồn internet)
-         Chẳng hiểu vì đâu, vào một hôm nọ chàng nảy ra ý tưởng làm một chuyến phiêu lưu độc hành trên đại dương để mở mang tầm nhìn, thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh đó đây. Thế là chàng giong bè chuối ra đi, tiến vào Thái Bình Dương vì ngỡ là một đại dương thái bình, nào ngờ đây chính là nơi có nhiều cơn bão khủng khiếp nhất trên hành tinh.
-         Không biết là may hay không may, chàng không gặp bão mà gặp sóng thần. Thật thảm hại, bè chuối tan tành chàng và con chó nhỏ may mắn ôm được một khúc chuối, sau mấy ngày đêm lênh đênh trên biển cuối cùng người và chó trôi dạt vào một hòn đảo hoang vắng.
Robinson cô đơn trên đảo hoang. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Robinson có cần phải sáng tạo/đổi mới trong xã hội 1 người trên đảo hoang không, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Tất nhiên là chàng phải sáng tạo/đổi mới để tồn tại nếu không muốn nói là phải sáng tạo/đổi mới từng giờ, từng phút. Nào là đói cơm, nào là khát nước, nào là nhớ mẹ, nào là cọp chực vồ, nào là sương giá lạnh buốt,… Mặc dù phụ mẫu của chàng vẫn còn sống ở quê nhà, nhưng cuộc sống của chàng bấy giờ có khác chi kẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Sáng tạo/đổi mới trong xã hội 1 người. (ảnh: nguồn internet)

Sáng tạo/đổi mới trong xã hội 1 người. (ảnh: nguồn internet)

Sáng tạo/đổi mới trong xã hội 1 người. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Ưu nhược điểm của mô hình sáng tạo/đổi mới trong xã hội 1 người là gì, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Không có một mô hình sáng tạo/đổi mới nào hoàn hảo cả. Mô hình sáng tạo/đổi mới trong xã hội 1 người có ưu và nhược điểm sau:
-         Ưu điểm: Tự do lựa chọn chủ đề sáng tạo/đổi mới. Tự chịu trách nhiệm về mọi mặt của hoạt động sáng tạo/đổi mới.
-         Nhược điểm: Không có người để đổ thừa mỗi khi thất bại. Không có người phối hợp trong một số hoạt động cần 2 người trở lên, chẳng hạn hoạt động sáng tạo ra… baby. Không có người vỗ tay tán thưởng cũng như nói xấu mỗi khi chàng thành công. Không có người động viên chia sẻ cũng như mừng thầm mỗi khi chàng thất bại.
-         Mô hình sáng tạo/đổi mới trong xã hội 1 người có khẩu hiệu là: “ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”. Nói chung, thành quả của mô hình này không lớn vì giới hạn không gian, thời gian, nguồn lực, tầm nhìn,… của một cá nhân.

3. Sáng tạo/đổi mới trong xã hội 2 người.
Đệ tử:
-         Xin thỉnh giáo về mô hình sáng tạo/đổi mới trong xã hội 2 người, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Ok! Sau đây là mô hình sáng tạo/đổi mới trong xã hội 2 người!
-         Cuộc sống cô đơn trên đảo hoang rồi chàng cũng quen dần nhưng nỗi nhớ người yêu vẫn da diết khôn nguôi. Lúc nào chàng cũng thầm ao ước có một cô gái nào đó - xấu cũng được- trôi dạt vào hòn đảo này thì hay biết mấy.
-         Bỗng nhiên, vào một buổi sáng nọ chàng đang chạy bộ tập thể dục trên bãi biển thì thấy từ phía xa có một cô gái xinh đẹp đen như nhộng lênh đênh trên một bè chuối rách.
-         Chưa biết cô ấy là hiện thân của thiên thần hay ác quỷ nên chàng liền rúc vào một lùm cây gần đó và ngồi chờ đợi giây phút hai bên diện kiến nhau. Chiếc bè chuối tiến sát vào bờ, cô gái bước lên bãi cát với một nhúm rong rêu bám trên người nhưng ở nơi không cần thiết.
Đệ tử:
-         Ý tưởng sáng tạo/đổi mới đầu tiên xuất hiện khi hai người đối mặt nhau là gì, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Cô gái tiến sát lùm cây - nơi chàng đang núp - để hái vài quả đào biển chín mộng thơm lừng. Thấy thời cơ đã đến, chàng liền nhảy ra rồi hô lớn vừa thân thiện vừa đe nẹt: “Chào em, giơ tay lên!”. Vào khoảnh khắc ấy ý tưởng sáng tạo/đổi mới của hai người được ghi lại như sau:
Sự khác biệt lúc gặp nhau. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Thế trong đêm đầu tiên cùng tồn tại trên đảo hoang, họ có những sáng tạo/đổi mới nào, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Sau khi tâm sự về gia cảnh của nhau cũng như nguyên cớ phiêu bạt đến nơi khỉ ho cò gáy này, chàng lập tức lao vào rừng chặt gỗ đóng gường, hái cói biển đan chiếu, bắt đom đóm bỏ vào gáo dừa để làm đèn soi sáng.
-         Điều gì sẽ đến rồi cũng đến, đêm ấy chàng đề xuất với nàng 101 ý tưởng sáng tạo/đổi mới nhưng trớ trêu thay nàng đưa ra 102 lý do để từ chối.
Cuộc chiến sáng tạo/đổi mới. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Tại sao nàng lại từ chối, lẽ nào nàng không có nhu cầu sáng tạo/đổi mới, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Không phải là nàng không có nhu cầu sáng tạo/đổi mới! Tuy nhiên, nàng làm nư từ chối như một thủ pháp trong thương lượng đàm phán mà thôi. Lĩnh vực sáng tạo/đổi mới có một đặc trưng hết sức độc đáo đó là cùng một ý tưởng nhưng đối với người này có thể là vàng ngọc còn đối với người khác có thể là rác rưởi.
-         Vì vậy, kỹ năng thương lượng đàm phán trong lĩnh vực sáng tạo/đổi mới là cực kỳ quan trọng. Các nhà sáng tạo/đổi mới được trang bị năng lực đàm phám thương lượng sẽ như hổ thêm râu.
Đệ tử:
-         Thế rồi trong đêm thứ hai, hoạt động sáng tạo/đổi mới diễn ra như thế nào, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Đêm thứ hai, chàng đã phạm một lỗi lầm tày trời như bao đàn ông khác trên hành tinh này: ký với nàng một thỏa hiệp hết sức bất lợi như sau.
Chàng đã phạm lỗi lầm tày trời. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Úi mẹ! Vợ mà luôn đúng thì chồng có đến thánh cũng không thể sáng tạo/đổi mới hiệu quả được đâu, thưa sư phụ tiên sinh!
Sư phụ:
-         Đành rằng là thế, nhưng không phải nàng không có lý! Cũng chẳng phải tay vừa, mấy hôm sau chàng nghiệm ra mình đã hố to nên ấm ức và cự nự đòi rút lại thỏa ước đã ký với nàng. Ai dè nàng thật cao tay, nửa đêm nàng dựng chàng dậy, sau khi quần áo chỉnh tề và tuyên bố như sau.
Lời cảnh cáo nghiêm khắc. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Úi mẹ! Phải ngoan thì làm sao mà sáng tạo/đổi mới hiệu quả được trời, thưa sư phụ tiên sinh!
Sư phụ:
-         Đành rằng là thế, nhưng không phải nàng không có lý! Để hoạt động sáng tạo/đổi mới của chàng không bị phân tán làm hao tổn các nguồn lực và chỉ sáng tạo/đổi mới trong khả năng tiếp nhận của nàng, nàng lại đưa ra nội quy.
Chỉ được sáng tạo/đổi mới trong nội quy. (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Úi mẹ! Ra nội quy thì làm sao mà sáng tạo/đổi mới hiệu quả được trời, thưa sư phụ tiên sinh!
Sư phụ:
-         Đành rằng là thế, nhưng không phải nàng không có lý! Sáng tạo/đổi mới nói cho cùng cũng chỉ là phương tiện, lợi ích nhận được từ sáng tạo/đổi mới mới thực sự là điều cốt lõi.
Đệ tử:
-         Chàng và nàng có phải là vợ chồng không, thưa sư phụ tiên sinh!
Sư phụ:
-         Vào thời đồ đá, mối quan hệ trai gái được phân loại như sau.
Chàng và nàng thuộc loại nào? (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Tại sao chàng lại sợ nàng đến thế, thưa sư phụ tiên sinh!
Sư phụ:
-         Chuyện là thế này! Vào lúc loài người mới hình thành, cánh đàn bà được giao thiên chức mang bầu và sinh con, còn cánh đàn ông nhận thiên chức cho con bú. Công việc của cánh đàn bà là trồng trọt, chăn nuôi quanh quẩn trong vườn nhà nên không có gì bất tiện. Còn cánh đàn ông vừa cho con bú vừa cỡi ngựa, phóng lao săn bắn thú rừng nên gặp nhiều phiền toái. Thế là cánh đàn ông gởi tạm cho cánh đàn bà bình sữa mỗi khi đi săn bên ngoài. Nào ngờ, được một thời gian cánh đàn bà nhận thấy bình sữa vừa đẹp vừa duyên dáng nên giữ luôn làm cách đàn ông lúc nào cũng tiếc nuối và tìm cách đòi lại... mỗi khi có dịp. Cánh đàn ông đang trong tiến trình thương lượng để đòi lại của nã đã mất nên… sợ!


Độc lập là sự phụ thuộc cân bằng nhau. (ảnh: nguồn internet)
-         Sau một thời gian chung sống với nàng trên đảo hoang, nhận thấy môi trường sáng tạo/đổi mới có những hạn chế làm thui chột năng lực sáng tạo/đổi mới của chàng. Thế là chàng tính đường bỏ nàng để về với cha mẹ bằng cách bơi liền một mạch băng qua Thái Bình dương. Ngày chàng lên đường hai bên cãi nhau một trận kịch liệt mà nội dung chỉ là như sau:
Bản lĩnh của một nhà sáng tạo/đổi mới. (ảnh: nguồn internet)

4. Sáng tạo/đổi mới trong xã hội nhiều người.
Đệ tử:
-         Xin thỉnh giáo về mô hình sáng tạo/đổi mới trong xã hội nhiều người, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Ok! Sau đây là mô hình sáng tạo/đổi mới trong xã hội nhiều người!
-         Chàng bơi liền một mạch về quê nhà, sau mấy hôm nghỉ ngơi hàn huyên tâm sự với gia đình chàng lên đường đi xin việc ở một công ty chuyên về công nghệ thông tin. Trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng, chàng đưa ra hàng loạt ý tưởng sáng tạo/đổi mới và cuối cùng được tiếp nhận vào làm việc ở Phòng phần dẻo (firmware), đây là lĩnh vực lai giữ phần cứng và phần mềm.
Đệ tử:
-         Ngày đầu tiên làm việc của Robinson ổn chứ, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Do công ty này còn gặp nhiều khó khăn nên không đủ diện tích để bố trí chỗ làm việc cho nhân viên mới. Thế là chàng liền đưa ra ý tưởng bố trí không gian làm việc thành nhiều tầng. Sáng kiến được Ban lãnh đạo công ty tán thành ngay lập tức.
-         Tuy nhiên, với chàng có một bất tiện nho nhỏ là chàng không được bố trí chỗ ngồi với tư cách một nhà sáng tạo/đổi mới mà với tư cách một ma mới phải nhún nhường ma cũ.
Ai là Robinson nào? (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Thế ngày làm việc thứ hai của Robinson ổn chứ, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Hôm ấy một khách hàng của công ty bị trục trặc hệ thống phần dẻo, nên một tổ công tác gồm có chàng được cử đi khắc phục sự cố. Vị trí sửa chữa hơi cao mà lại không có thang nên chàng lập tức nảy ra sáng kiến: một người chịu trận cho một người khác cỡi trên lưng.
-         Ý tưởng táo bạo này được tổ công tác tán đồng ngay lập tức. Tuy nhiên, với chàng có một bất tiện nho nhỏ là chàng được phân công lom khom phía dưới nên đau lưng cả tuần sau đó.
Ai là Robinson nào? (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
-         Thế ngày làm việc thứ ba của Robinson ổn chứ, thưa sư phụ tiên sinh?
Sư phụ:
-         Chàng nhận thấy rằng các sáng tạo/đổi mới lặt vặt của mình đều có phần bất tiện… cho mình. Rút kinh nghiệm, chàng đưa ra một ý tưởng lớn lao hơn rất nhiều, ý tưởng này tác động sâu rộng đến toàn bộ công ty trên nhiều phương diện. Cuối cùng, chàng được mời trình bày ý tưởng với sự phản biện sâu sắc của các nhân vật có trách nhiệm trong công ty.
Robinson đang đề xuất ý tưởng (ảnh: nguồn internet)

Trần Ngọc Truyền
----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link

BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét