Brahma - Năng lượng sáng tạo và tình dục

Người đăng: Unknown on Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://nghethuatyeu.net/ChiTietTin287/4371/brahma--nang-luong-sang-tao-va-tinh-duc.html#.UWMBK1Kah8o
Sarasvati nhảy múa quanh Brahma. Và Brahma động lòng thèm muốn con gái mình. Sarasvati uốn éo trước mặt Brahma, rồi sang bên trái, sang phía sau, sang bên phải của Ngài. Mỗi lần như vậy Brahma lại mọc thêm một cái đầu. Tổng cộng bốn cái, mỗi cái nhìn về một hướng.
Ấn Giáo không đặt nặng vấn đề « Sáng thế » như trong truyền thống Do Thái – Ky Tô - Hồi Giáo. Khi Brahma thở ra thì một vũ trụ nảy sinh, Brahma thở vào thì vũ trụ ấy hoại diệt. Cũng có khi người ta cho rằng Shiva mở mắt thì một vũ trụ sinh ra, và nhắm mắt lại thì một vũ trụ tiêu diệt. Thuyết khác cho rằng vũ trụ vạn vật chỉ là giấc mơ của Vishnu. Bộ ba: Brahma, Shiva và Vishnu là một loại Chúa Ba Ngôi, một mà ba, ba mà một, gọi là Trimurti.. Ba Ngôi Vị này có thể được tập hợp trong một thực thể duy nhất, nhưng để dễ truyền đạt thông điệp giáo hóa, lại thường được phân ra làm ba nhân vật, mỗi vị có một « đời sống » biệt lập. 
Brahma là vị Thần sáng tạo, đem sự vật từ trạng thái hỗn nguyên vô định sang trạng thái cá thể phân biệt. Brahma sanh ra từ một quả trứng vàng kết tinh trong lòng biển « Vô Xứ », hay, theo một truyền thống khác, nảy sanh trong một đóa sen nở ra từ cái rốn của Vishnu, trong khi Vị này nằm ngủ trên mặt biển. Phải chăng cuộc sống cũng như vũ trụ phân biệt trong bản chất chỉ là một giấc mơ (Vishnu ngủ mơ  thấy vũ trụ), nảy sanh từ tính chấp ngã, từ sự chiêm ngưỡng cái rốn của mình (hoa sen nở từ rốn của Vishnu cho ra Brahma ). Mơ ngủ cũng là VÔ MINH, nên sự vật trong căn bản không có thực tánh, mà chỉ là hệ quả của vô minh, một quan niệm sau này được lập lại trong Phật Giáo.
Từ trán của Brahma, sanh ra một nữ thần, Sarasvati, con gái của ngài. Huyền thoại Hy Lạp cũng có chuyện tương tự với Athena sanh ra từ đỉnh đầu của Zeus. Địa vị của Zeus và Brahma có thể được coi như tương đương.
Sarasvati nhảy múa quanh Brahma. Và Brahma động lòng thèm muốn con gái mình. Sarasvati uốn éo trước mặt Brahma, rồi sang bên trái, sang phía sau, sang bên phải của Ngài. Mỗi lần như vậy Brahma lại mọc thêm một cái đầu. Tổng cộng bốn cái, mỗi cái nhìn về một hướng. Phải chăng vị Thần sáng thế cũng đã sáng tạo ra cái quy luật luân lý lên án sự loạn luân, khiến Ngài không thể tự cho phép mình quay đầu nhìn theo người đẹp như mỗi người chúng ta ? Chưa hết, Brahma ý thức sự ham muốn loạn luân của mình, nên mọc thêm một cái đầu thứ năm, lần này không nhìn Sarasvati nữa mà nhìn lên trời, như tìm một sự thăng hoa, giải thoát. Cái đầu thứ năm này mang búi tóc, biểu tượng của sự tu hành, của người Đạo Sĩ. Vấn đề loạn luân đặt ra ở đây phù hợp với quan điểm của Claude Lévi Strauss, cho rằng ranh giới giữa thuần phác tự nhiên (nature) và văn hóa văn minh (culture), tức cái ranh giới gữa con người và súc vật, nằm ở  những quy luật về loạn luân. Cũng cần nói Sarasvati là Nữ Thần của nghệ thuật, của hiểu biết, văn hóa, văn minh. Chữ Sanskrit, một biểu tượng văn hóa, được coi như một phát minh của Bà. Tựu trung, trong tiến trình sáng tạo thế giới, và đồng thời tự tạo, Brahma thoát khỏi trạng thái « thiên nhiên » và bước vào « văn hóa », « văn minh » với ý thức … loạn luân ! Có thể nói là chính vào lúc ấy, Brahma đã trở thành « người » …
Huyền thoại Hy Lạp cũng có ý tưởng tương tự trong chuyện « mê hồn trận » (labyrinthe) của Minos, trong đó có con quỷ đầu trâu Minotaure. Mê Hồn Trận với Minotaure tượng trung cho vật tính. Lọt vào là quanh quẩn không thể nào ra được, để rồi bị Minotaure đớp mất. Muốn thoát ra khỏi trận đồ của vật tính thì phải bay lên cao, phải thăng hoa, như Dédale và Icare đã làm khi sáng chế ra đôi cánh, và như Brahma khi mọc thêm cái đầu thứ năm nhìn lên trời. Thật ra còn một cách khác, là dụ khị một người đẹp dùng sợi chỉ dắt mình thoát ra ngoài trận đồ của ham muốn súc vật, như Thésée với Ariane. Sợi chỉ ở đây tượng trưng cho liên hệ tình yêu chứ không đơn thuần vật tính.
SÁNG TẠO VÀ TÌNH DỤC
Brahma cũng có khi được coi như vị Thần chủ trì sự luân hồi, dựa trên các hành vi xấu tốt của mỗi chúng sanh. Người ta cắt nghĩa sự hiện diện của bốn cái đầu nhìn ra bốn phía như để thấy rõ mọi việc xấu tốt trên khắp thế giới hầu quyết định việc luân hồi.
Thế còn cái đầu thứ năm ? Nó đã bị Shiva dùng móng tay cắt đứt. Có thể đây là một phản ứng trước sự đạo đức giả của giai cấp Đạo Sĩ, vì thật ra Brahma đã sa ngã, đã « ăn gian ». Xin nhắc lại là cái đầu thứ năm của Brahma nhìn lên trời thay vì nhìn người đẹp, mang búi tóc của giới Đạo Sĩ. Tuy nhiên, cũng cần nhận xét là sứ mạng Sáng Tạo trong mỗi người chúng ta, chứ không phải riêng gì đối với Brahma, hiểu theo nghĩa sanh con đẻ cái, thường phải thông qua thôi thúc tình dục. Một cách rộng rãi hơn, Freud cho rằng các sáng tạo nghệ thuật khoa học triết học v.v… cũng chỉ là sự thăng hoa của thôi thúc tình dục cơ bản. Vấn dề là nhiều khi thôi thúc dục tình ấy vượt qua lằn ranh luân lý …
Sau khi bị chặt đứt, cái đầu thứ năm của Brahma dính trong lòng bàn tay Shiva dưới dạng sọ người hay cái bát của người hành khất. Các nhà sư Phật Giáo Tây Tạng từng có lúc dùng bát ăn xin bằng sọ người ! Mặt khác cái đầu thứ năm của Brahma cũng có khi được biểu trưng như quy đầu của dương vật Shiva.
Brahma sáng tạo vũ trụ xong thì có vẻ mệt mỏi (như sau khi làm tình), cần nghỉ ngơi, không khác  gì Thiên Chúa trong Thánh Kinh ở ngày thứ bảy. Mặt khác, Brahma rất ít can thiệp vào việc nhân gian (như Thiên Chúa kể từ sau truyện Job, cho đến … bây giờ), và cũng ít được cúng bái thờ phượng (như Thiên Chúa, ngoại trừ lễ nghi hình thức).
Con vật được gán cho Brahma là con Thiên Nga, biểu tượng cho khả năng phân biệt thiện ác. Người Ấn tin rằng nếu pha sữa và nước đem cho thiên nga, thì thiên nga có thể phân ra phần sữa và phần nước. Biểu tượng này làm sáng tỏ hơn nữa những gì chúng ta vừa nói về ý thức tội lỗi trong việc loạn luân … Có khi người ta trình bày Brahma đang cúi chào con Thiên Nga của Ngài. Phải chăng đó là một sự tạ lỗi, một mặc cảm trước biểu tượng của thiện ác phân minh ?  
Tựu trung, “sáng tạo” thế giới chẳng qua chỉ là đem vào trong thế giới hằng hữu ấy cái ý thức phân biệt (cái này với cái kia). Brahma cưỡi Thiên Nga, con vật tượng trưng cho phân biệt nói chung, được biểu tượng bằng phân biệt thiện ác, thì quả là thuận lý lắm vậy. Nhắc lại Thánh Kinh cũng gắn liền việc phân biệt thiện ác với tình yêu xác thịt, qua chuyện Adam và Eva ăn trái cấm tức trái của “cây phân biệt thiện ác” đồng thời cũng tượng trưng cho tình dục. Thêm vào đấy,  Eva cũng nảy sinh từ thân thể của  Adam như Sarasvati từ thân thể Brahma.
Nếu hiểu rộng ra, thì ý thức loạn luân có thể tượng trưng cho ý thức  cấm đoán nói chung, tức ý thức luân lý đè nặng không những trên tình yêu xác thịt mà cả trên mọi hành vi của chúng ta. Trên mặt tâm lý, câu chuyên Brahma, chẳng khác gì chuyện một em bé chào đời với cái nhìn vô phân biệt, phải tự sáng tạo cái thế giới của mình bằng ý thức “cái này, cái kia”, khởi đầu bằng “ta” và “không ta”. Cái “không ta” đầu tiên mà em bé ý thức là người mẹ. Liên hệ với mẹ mang những yếu tố dục tình và những cấm đoán mà đứa trẻ sẽ phải đối diện, khi nó từ từ rời bỏ vật tính để trở thành con người, với văn hóa, văn minh…  




----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét