"Doanh nhân hóa" nông dân?

Người đăng: Unknown on Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://www.pace.edu.vn/vn/dao-tao/viet-ve-pace/179-doanh-nhan-hoa-nong-dan/179.aspx
Nói đến chuyện nông dân, nông nghiệp xứ mình, có thể thấy một bức tranh với nhiều gam màu chưa vui...
Nói đến chuyện nông dân, nông nghiệp xứ mình, có thể thấy một bức tranh với nhiều gam màu chưa vui: được mùa mất giá; xuất thô, không thương hiệu; lệ thuộc vào thiên nhiên; chạy theo trào lưu nuôi trồng vội vã, nhất thời rồi lúng túng và thất vọng khi không bán được sản phẩm... Hệ lụy của những việc này là người nông dân tuy vất vả nhất trong toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm nhưng lại nhận được ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản. Việc sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện vẫn dừng lại chủ yếu ở sức người và đổi lại là những thành quả nhỏ nhoi, không khác lắm so với ngày xưa...
Hình như người nông dân nói riêng, nền nông nghiệp xứ mình nói chung đang bị chậm nhịp so với tốc độ phát triển chung của xã hội?
Hình ảnh nông dân thời đại mới
Sự cấp thiết để hiện đại hóa nền nông nghiệp đã được đưa ra bàn luận từ rất lâu. Chúng ta đã có những mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở An Giang, rồi chính sách “dồn điền đổi thửa” ở nhiều nơi, những dự án nhiều ngàn tỉ đồng để đào tạo nghề cho nông dân, những giải thưởng cho phát kiến mới từ đồng ruộng... Chúng ta có những nhà khoa học miệt mài nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi mới; những nhà quản lý nông nghiệp tâm huyết, những thử nghiệm xây dựng thương hiệu nông sản Việt...
Nhưng có lẽ, điều mà chúng ta chưa làm được là thay đổi người nông dân, bắt đầu từ tư duy của họ về công việc và thành quả. Hiện đại hóa người nông dân, không chỉ là đưa thêm giống mới vào nuôi trồng, mua thêm máy móc thiết bị mà còn phải giúp họ nâng cao tính chủ động trong công việc của mình, chủ động tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm, chủ động hội nhập với nền nông nghiệp mới rộng lớn hơn cái lũy tre làng nhiều lần. Cần hiện đại hóa suy nghĩ, quan điểm làm ăn của người nông dân cũng như khả năng bắt nhịp với nền nông nghiệp hối hả trên toàn cầu.
Khái niệm “nông dân” tại các quốc gia phát triển như Nhật, Pháp, Ý, Đan Mạch hay Mỹ được hiểu là người đang quản lý hay điều hành một nông trại, mà ở đó, sự chọn lựa giống, sử dụng các thiết bị, thuê mướn lao động, kiểm soát dòng tiền, thời điểm bán hàng... đều được tính toán theo nhịp của thị trường trong nước và quốc tế. Họ là những người hiểu biết về thị trường và quản trị việc sản xuất, kinh doanh từ cánh đồng, trang trại của mình.
Nông dân bây giờ là những “doanh nhân nông nghiệp”.
Đánh thức “tố chất doanh nhân” từ ruộng đồng
Điều đầu tiên cần khẳng định, “doanh nhân hóa nông dân” không phải là một ý tưởng dạy nghề, hay một suy nghĩ viển vông về một phép màu biến đổi người nông dân. Dù việc trở thành một doanh nhân (theo đúng nghĩa của nó) không đơn giản, nhưng trong hàng chục triệu nông dân Việt Nam, có rất nhiều người có tố chất kinh doanh còn ẩn sâu sau những bộn bề, lam lũ hàng ngày.
Quá trình “doanh nhân hóa” nông dân hay “hiện đại hóa nông dân” đều phải trải qua nhiều giai đoạn, trong đó đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước, của xã hội, của các nhà giáo dục, các chuyên gia kinh tế và cả giới truyền thông, bên cạnh những nỗ lực tự thân của những người nông dân đang muốn vươn lên một tầm vóc mới - tầm vóc của người nông dân hiện đại có thể đua tranh cùng thế giới.
Quá trình này phải được bắt đầu từ chính sự học của người nông dân nhằm bồi dưỡng những phẩm cách, những tư duy, nhận thức và tầm nhìn mới, để vươn tới những giá trị bền vững, bớt đi tư duy sản xuất kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Sự học đó có thể khơi gợi và làm bùng cháy tinh thần doanh nhân trong mỗi người, giúp họ có thể làm chủ các kỹ năng quản trị, triết lý kinh doanh, các phương thức điều hành nông trại, mùa vụ một cách hiệu quả.
Chúng ta đang có hàng chục triệu nông dân. Chúng ta muốn có nền nông nghiệp mới - được công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và đua tranh. Việc này không chỉ là sắm máy cày và máy tính cho nông dân, mà cần phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa cách nghĩ, cách làm nơi người nông dân, mà một trong những phương cách hữu hiệu là “doanh nhân hóa nông dân”.
Muốn xây dựng một thế hệ nông dân mới (nông dân doanh nhân, nông dân sánh vai), việc cần làm là gieo những hạt mầm nhận thức về “chân dung người nông dân mới”. Hãy gieo và chăm bón để những hạt mầm này lan tỏa khắp nơi. Đó cũng là một trong những khởi đầu cho giấc mơ nông nghiệp Việt Nam, giấc mơ Việt Nam!


----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét