1. Tổng quan về hàng hóa.
Đệ tử:
- Xin cho biết sự khác nhau giữa người sống và người chết trên phương diện kinh tế học, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Sự khác biệt trên phương diện kinh tế học là ở chỗ người chết không có nhu cầu gì, còn người sống thì có nhiều nhu cầu khác nhau để tồn tại. Người sống là một thực thể có sự trao đổi vật chất/năng lượng/thông tin với thế giới xung quanh, nhu cầu của con người phản ảnh sự trao đổi đó.
Đệ tử:
- Giảng sư Phillip Kotler tiên sinh - cha đẻ ngành tiếp thị cổ đại thời đồ đá - đã từng tuyên bố: “Để tồn tại con người phải bán ít nhất một thứ gì đó”, trên thực tế con người bán thứ gì nhiều nhất, thưa ngài tiên sinh?
2. Những hàng hóa liên quan đến thân thể con người.
Đạo sĩ:
- Tuyệt đại đa số bán sức lao động, trong đó lương và các khoản thu nhập hợp pháp kèm theo là giá cả của hàng hóa sức lao động. Tuy nhiên, cũng có một số người bán những thứ khác trên thân thể hoặc bằng thân thể của mình.
Đệ tử:
- Hàng hóa mà các kỹ nữ cung cấp cho ngành công nghiệp sung sướng có hợp pháp không, thưa ngài tiên sinh?
Khu đèn đỏ De Wallen ở thành phố Amsterdam.(ảnh: nguồn internet)
Đạo sĩ:
- Hàng hóa là một phạm trù của kinh tế học, trong khi hợp pháp là một phạm trù của luật học. Vì vậy, thứ ấy có hợp pháp hay không tùy thuộc vào bối cảnh pháp luật cụ thể. Chẳng hạn, ở xứ Cối xay gió thứ ấy là hợp pháp, “người lao động” được cấp thẻ hành nghề và phải nộp thuế.
Đệ tử:
- Tại sao bán con gà, trái bí không ai nói gì trong khi bán thứ ấy lại um sùm làng trên xóm dưới, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Những hàng hóa liên quan đến thân thể con người, không chỉ được phán xét trên quan điểm kinh tế hay pháp luật mà còn cả đạo đức.
Hàng hóa chỉ có trong thời đại ADN.(ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
- Hàng hóa sức lao động có đặc điểm gì khác biệt so với mọi hàng hóa khác, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Sức lao động nằm trong con người nên muốn sử dụng hàng hóa sức lao động hiệu quả tất phải biết dùng người hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp làm rất dữ dằn ở khâu tuyển dụng nhưng lại ít quan tâm đến khâu đánh giá lao động trong quá trình làm việc sau tuyển dụng. Trong ngắn hạn, mức lương thường không thay đổi trong khi đó người lao động có thể điều tiết chất lượng hàng hóa của mình từng phút từng giây.
Đệ tử:
- Việc các cô dâu đi lấy chồng nước ngoài có thể xem như là một hình thức xuất khẩu lao động không, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Ấy…ấy! Không thể xem việc làm vợ làm mẹ là một hình thức lao động mà là thiên chức của người phụ nữ do trời đất giao phó. Vì vậy, việc các cô dâu đi lấy chồng nước ngoài phải xem là loại hình xuất khẩu văn hóa. Các hậu duệ của bà Tú Xương vừa xinh đẹp vừa lặn lội thân cò mặc dù ông chồng hờ hững quanh năm nên được trai làng người để mắt đến là hoàn toàn có thể hiểu được.
Đệ tử:
- Trong lịch sử nhân loại, thời kỳ nào con người được mua bán như một hàng hóa trên thị trường, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Phổ biến nhất là vào thời đại chủ nô tức chế độ chiếm hữu nô lệ, một xã hội chủ yếu dựa trên lao động của nô lệ và bóc lột nô lệ, thân phận và lao động của nô lệ đều thuộc về chủ nô.
Mua bán nô lệ thời chủ nô. (ảnh: nguồn internet)
3. Hàng hóa nguyên gốc và hàng hóa gia tăng.
Đệ tử:
- Ở một vùng nọ có hai tiệm tạp hóa đối diện nhau, hàng hóa chỉ là những gói mì tôm cùng loại, cùng giá. Sự khác biệt là chổ, chủ tiệm bên phải là một cô nàng gái một con trông mòn con mắt, còn chủ tiệm kia là một bà lão hay kể chuyện cổ tích. Tại sao cánh đàn ông trung niên lại mua hàng của cô gái trẻ, còn bọn trẻ con thì mua hàng của bà lão, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Đành rằng sản phẩm và giá cả như nhau, nhưng sự xinh đẹp của cô gái là một giá trị gia tăng có ý nghĩa đối với cánh đàn ông trung niên, còn những câu chuyện cổ tích của bà lão là một giá trị gia tăng có ý nghĩa đối với bọn trẻ con. Nhiều khi không có nhu cầu ăn mì gói nhưng vẫn lặn lội đi mua để được thụ hưởng giá trị gia tăng ấy.
- Nói cách khác, hàng hóa mà khách hàng cảm nhận là tổng thể tác động của nhiều yếu tố chứa không đơn thuần chỉ là yếu tố vật chất của sản phẩm. Chính những yếu tố này sẽ làm nên sự khác biệt cho sản phẩm.
Đệ tử:
- Ba mươi năm sau, cô gái xinh đẹp ngày nào sẽ trở thành một bà lão, còn bọn trẻ ngày nào trở thành đàn ông trung niên, khách hàng thân quen ngày nào có còn trung thành với nhau nữa không, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Cuộc đời là dòng chảy bất tận, hết lớp người này đến lớp người khác. Bọn trẻ khi xưa bây giờ trở thành đàn ông trung niên sẽ chuyển sang mua mì gói của… của cô gái trẻ mà khi xưa vẫn chưa được sinh ra!
Đệ tử:
- Bệnh nhân là người uống thuốc, thân nhân là người trả tiền thế tại sao trình dược viên của các công ty dược chỉ tri ân… bác sĩ, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Bệnh nhân là người thụ hưởng nhu cầu, thân nhân là người thanh toán chi phí còn bác sĩ là người gây ảnh hưởng trên giao dịch kinh tế thông qua y lệnh. Chống y lệnh của bác sĩ có khác chi khước từ sự an toàn của bệnh nhân, đẩy bệnh nhân gần hơn với lưỡi hái của tử thần. Trong cuộc chơinày, bác sĩ đóng vai trò quyết định tuyệt đối nên công ty dược chỉ cần tri ân bác sĩ là… đúng rồi!
Không uống được nên phải tiêm! (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
- Tại sao các nhà hàng bán thức ăn nhanh lại bài trí như một công viên mini dành cho trẻ con vui chơi, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Trái ngược với việc đi nhậu của các ông bố, trái ngược với việc đi làm tóc của các bà mẹ, việc chọn địa điểm đi ăn tối bên ngoài của gia đình thường được quyết định bởi các thành viên… trẻ con. Vì thế các nhà hàng thường tìm mọi cách quyến rũ trẻ con để chúng gây ảnh hưởng lên cha mẹ trong việc đi ăn ở nhà hàng nào.
Ai thực sự thụ hưởng loại rượu này? (ảnh: nguồn internet)
4. Hàng hóa liên quan đến chất thải.
Đệ tử:
- Mấy xe rút hầm cầu chạy lông nhông trên phố liên quan đến hàng hóa gì, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Đối với gia chủ cần rút hầm cầu, họ bán một dịch vụ làm sạch. Còn đối với nhà máy xử lý rác làm phân vi sinh, họ bán một nguyên liệu cho nhà máy. Có lẽ đây là một trong rất ít các ngành nghề nhận tiền được ở cả hai đầu vào lẫn ra.
Rác thải hay nguyên liệu? (ảnh: nguồn internet)
Đệ tử:
- Tại sao các quốc gia phát triển thường bán các dây chuyền công nghệ cũ cho các nước chậm phát triển hơn, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Nếu không bán thì một thời gian ngắn nữa cũng đem ra bãi rác mà đổ, thậm chí phải tốn kém không ít cho việc này, chi bằng xuất khẩu hay hơn. Một dây chuyền công nghệ được loại bỏ không nhất thiết là do nó hư hỏng hoàn toàn mà có thể là do đã khấu hao hết, không còn hiệu quả về kinh tế,…
- Ngươi hãy để ý những chiếc xe khách chất lượng cao mà xem, theo thời gian những xe này được chuyển sang mục đích chạy tuyến nội tỉnh hoặc đưa rước công nhân để nhường chỗ cho những xe đời mới hơn.
Đệ tử:
- Tại sao các quốc gia phát triển dịch chuyển khâu sản xuất sang các nước chậm phát triển hơn, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Nói chung là do khâu sản xuất, gia công tạo giá trị gia tăng rất thấp so với các khâu khác như nghiên cứu – phát triển, phân phối,… Một lý do khác nữa là khâu sản xuất thường gây ra ô nhiễm môi trường nên dịch chuyển khâu sản xuất cũng chính là xuất khẩu cả sự ô nhiễm sang nước khác.
Đệ tử:
- Xin giới thiệu một đại gia kinh doanh rác ở tầm “vua rác”, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Các nay chừng 20 năm xuất hiện rất nhiều “vua rác chuyên ngành” như “vua lông gà”, “vua lông vịt”, “vua bao ni lông”,.. Tuy nhiên, ở cấp độ công nghiệp và tầm thế giới phải kể đến ngài David Dương tiên sinh.
- Là một doanh nhân thành đạt, ngày 26/2/2010 sau Tây lịch, tại thủ đô Washington, Dương tiên sinh đã được Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bổ nhiệm vào chức vụ phụ trách Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF).
Dương tiên sinh bên cạnh Tổng thống Barak Obama.(ảnh: nguồn internet)
5. Hàng hóa liên quan đến không khí.
Đệ tử:
- Năm 1997 sau Tây lịch, nhân dịp vùng lãnh thổ Hong Kong được nước Anh trao trả cho Trung Quốc, một doanh nhân đã tung ra mặt hàng độc đáo là không khí đóng hộp trước 0h ngày 1/7/1997, phải chăng đến không khí cũng có thể trở thành hàng hóa, thưa ngài tiên sinh?
Không khí đóng lon. (ảnh: nguồn internet)
Đạo sĩ:
- Khí ôxy hoặc không khí giàu oxy được dùng nhiều trong bệnh viện, hầm mỏ hay trên máy bay. Trong trường hợp này, khí oxy được dùng để thỏa mãn một nhu cầu mang tính vật chất. Trong khi đó, những lon không khí đóng hộp của doanh nhân trên được dùng để thỏa mãn một nhu cầu tinh thần - làm kỷ niệm.
- Trong cơ cấu giá thành của lon không khí kỷ niệm ở trên, chi phí cho khâu đóng lon và khâu phân phối là chủ yếu, còn chi phí của nguyên liệu sản xuất là bằng 0 vì không khí được múc miễn phí.
- Nhu cầu của khách hàng yếu tố quyết định sự ra đời còn hình thức vật chất của hàng hóa chỉ là phương tiện để thỏa mãn nhu cầu mà thôi. Để thỏa mãn nhu cầu ăn sáng thì có vô số loại hàng hóa khác nhau, chẳng hạn hủ tiếu, bún, phở, bánh cuốn,…
6. Hàng hóa liên quan đến nợ.
Đệ tử:
- Vào thời computer, hầu hết các ngân hàng đều có công ty con chuyên kinh doanh nợ. Phải chăng nợ cũng trở thành hàng hóa được mua bán trên thị trường, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Đúng vậy! Nợ trở thành hàng hóa vì không phải khoản nợ nào cũng được thanh toán đủ và đúng hạn.
Đệ tử:
- Những người tham gia trị trường này chắc là học hành lem nhem lắm phải không, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Hoàn toàn trái lại! Những bộ óc vĩ đại nhất của thế giới tài chính đều tập trung trong thị trường này. Với họ, nợ là một hình thái của tài sản, thị trường nợ là thị trường đỉnh cao của trí tuệ.
7. Hàng hóa liên quan đến vị trí địa lý.
Đệ tử:
- Singapore là một quốc gia không sản xuất lương thực, vậy họ bán cái gì để có tiền mua gạo, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Singapore là một quốc gia hầu như không có tài nguyên thiên nhiên. Ngay cả nước sinh hoạt cũng phải nhập khẩu từ là Malaysia, thậm chí nhập khẩu cát từ các quốc gia khác để lấn biển mở mang diện tích. Sức mạnh của một quốc gia không chỉ thuần túy là tài nguyên thiên nhiên mà còn tài nguyên nguyên phi thiên nhiên, chẳng hạn, vị trí địa chiến lược của quốc gia đó trên thế giới.
- Hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đều đặt tổng hành dinh chi nhánh khu vực Đông nám Á tại Singapore. Từ đó, dòng tiền thương mại, đầu tư chảy đến và đi trên thế giới từ khu vực đều qua ngả Singapore. Nhiều chuyến bay trên thế giới đi về Đông Nam Á đều quá cảnh tại Singapore. Nhiều tàu hàng container từ Đông Nam Á đi và đến khắp nơi trên thế giới đều tập trung về Singapore. Rõ ràng, họ bán một vị trí địa chiến lược, một vị trí trung tâm theo nghĩa không gian địa lý và không gian kinh tế.
Đệ tử:
- Xin cho một ví dụ khác về hàng hóa là một vị trí địa lý, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Chẳng hạn, các vịnh ven biển ở hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có vị trí địa chiến lược. Thứ nhất, vịnh này rất gần tuyến đường hảng hải huyết mạch từ Đông bắc Á sang Ấn độ dương. Thứ hai, các vịnh ở đây khá sâu thuận tiện làm cảng nước sâu, liên quan mật thiết đến tải trọng của tàu và tính kinh tế của cảng. Thứ ba, các vịnh này có cửa quay về hướng nam, hoàn toàn tránh được gió bão do bão ở khu vực bắc bán cầu quay ngược chiều kim đồng hồ. Thứ tư, các vịnh có luồng hẹp thông ra đại dương nên dễ dàng kiểm soát sự ra vào trên mặt nước cũng như ngầm dưới nước. Những yếu tố trên tạo nên giá trị về vị trí địa chiến lược mà nơi khác không có được.
8. Hàng hóa liên quan đến tầm nhìn.
Đệ tử:
- Phải chăng cái gì ở trung tâm như Singapore cũng đều ngon, đơn giản thế thôi sao, thưa ngài tiên sinh?
Đạo sĩ:
- Singapore là một quốc gia phương đông hiểu biết sâu sắc về thế giới phương tây. Vì thế họ hội đủ các yếu tố để bán một tầm nhìn về phương đông cho phương tây và bán một tầm nhìn về phương tây cho phương đông. Hàng hóa là một tầm nhìn.
Singapore: sự giao thao giữa phương đông và phương tây. (ảnh: nguồn internet)
Trần Ngọc Truyền
----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét