Đổi mới sáng tạo không nhất thiết phải là cái gì to tát

Người đăng: Unknown on Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

sangtaodoimoi.blogspot.com dẫn từ nguồn http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Chinh-tri-Xa-hoi/Chinh-tri-Xa-hoi/Khoa-hoc-Moi-truong/128965,Do-i-mo-i-sa-ng-ta-o-khong-nha-t-thie-t-pha-i-la-ca-i-gi-to-ta-t.ttm
Ông Hannu Kokko- Cố vấn trưởng chương trình đối tác đổi mới sáng tạo (IPP) do Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Phần Lan thiết lập cho biết, với mong muốn cùng chung sức hỗ trợ, xúc tiến các hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), tăng cường hệ thống ĐMST quốc gia và khoa học công nghệ nhằm giúp các DN có thể cạnh tranh tốt hơn. Chương trình được tiến hành vào tháng 8-2009 với tổng số vốn của giai đoạn 1 dự án lên tới 9 triệu USD.
Ông Hannu Kokko- Cố vấn trưởng chương trình đối tác đổi mới sáng tạo (IPP)
Trong buổi hội thảo “Xây dựng và phát triển thị trường tài sản trí tuệ ở Việt Nam” do Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại TP.HCM phối hợp cùng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (bộ KH&CN), công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trí tuệ và chương trình IPP tổ chức tại Công ty CP tin học Lạc Việt, Ông Hannu Kokko nói:
Để đưa ĐMST tiên tiến của thế giới vận dụng đến Việt Nam là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự hợp tác mật thiết 3 bên: Doanh nghiệp tư nhân- Cơ quan nhà nước- Hợp tác. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm những vấn đề khó khăn giúp họ tháo gỡ, đưa những kinh nghiệm chúng tôi có được từ việc thương mại hóa (TMH) sáng chế ở Phần Lan sang Việt Nam.
Chương trình IPP là một phần trong việc chia sẻ kinh nghiệm với các bạn. Có 2 gói hỗ trợ: Một là tài trợ vật chất và hỗ trợ công nghệ. Hai là đào tạo chuyên gia. Có khoảng 1.800 chuyên gia trên thế giới được tham gia đào tạo ở nhiều khía cạnh ĐMST. Vào khoảng tháng 5-2012 này, chương trình sẽ tiến hành đào tạo cho các cán bộ trong ngành công nghệ thuộc các bộ của 64 tỉnh thành Việt Nam.
Kết quả cụ thể như thế nào trong chương trình đổi mới sáng tạo VN- Phần Lan?
Ông Hannu Kokko: Giai đoạn 1 tiến hành đến nay đã gần 3 năm, dự án giúp được 50 doanh nghiệp VN thực hiện ĐMST ngay tại công ty của họ, cũng như các nhà sáng chế tự do có điều kiện đưa sáng chế của mình vào sản xuất, vào đời sống. Chọn ra một số DN chuyển giao công nghệ, hợp tác với các công ty của Phần Lan.
Trong giai đoạn này, 10 tỉnh thành được chọn (Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang, Phú Thọ, Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang, Tp.HCM), IPP sẽ tài trợ các đề xuất thúc đẩy hoạt động ĐMST của các DN, các trường ĐH, viện nghiên cứu, các hiệp hội chuyên môn và cơ quan quản lý; cung cấp phương pháp, tri thức và công cụ cho các đối tác có cam kết mạnh mẽ với ĐMST; xúc tiến các mối quan hệ trong lĩnh vực ĐMST giữa Việt Nam và Phần Lan.
Trong lần đến với ngư dân Đà Nẵng, dưới sự phối hợp của Sở KH&CN Đằ Nẵng, chúng tôi đã lắp đặt cho những ngư dân ở đây 2 hệ thống đèn LED chiếu sáng trên tàu bằng năng lượng mặt trời miễn phí hoàn toàn.
Nhờ đèn Leds được thiết kế nhiều loại khác nhau, có các bước sóng ánh sáng khác nhau để dẫn dụ cá, tiết kiệm được năng lượng, giảm chi phí, bớt gây ô nhiễm môi trường biển và đặc biệt, năng suất đánh bắt tăng lên đáng kể. Mô hình này được chúng tôi đánh giá là khá thành công khi những ngư dân khác đã thấy được lợi ích của nó và lắp đặt cho con tàu của mình.
Những DN mà chúng tôi chọn để hỗ trợ TMH sáng chế, cũng nhận được phản hồi tốt từ họ, có công ty thực hiện được 3 tháng, có công ty thực hiện được 8 tháng...
Khi tiếp xúc với thị trường TMH sáng chế ở VN, ông nhận thấy có những mặt hạn chế nào khiến các ý tưởng sáng chế khó đưa ra thị trường?
Ông Hannu Kokko: Nhiều người sai lầm khi nghĩ rằng, ĐMST phải là một cái gì to tát, lớn lao mang tầm cỡ dự án trở lên. Trên thực tế, ĐMST nhiều khi bao gồm những ý tưởng, sáng kiến rất nhỏ trong sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, 1 cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, để tăng doanh thu, họ cho nhân viên bán hàng hóa trang thành những nhân vật hoạt hình mà trẻ em rất yêu thích như vịt Donald, chuột Mickey… đây cũng gọi là ĐMST trong kinh doanh rồi.
Đối với Việt Nam, số lượng bằng sáng chế quá ít cũng gây khó khăn trong việc TMH. Ở Nhật Bản, 1 năm 1 công ty có khoảng hơn 10.000 đơn xin cấp bằng sáng chế. Ở Việt Nam, tính đến nay chỉ có khoảng hơn 4.800 đơn, được cấp bằng khoảng 400 đơn, riêng tại TP.HCM con số được cấp bằng khoảng 140 đơn- một con số rất ít.
Bên cạnh đó, những bằng sáng chế đó có bao nhiêu công ty có thể dùng được? Với những sáng chế do chính công ty làm ra thì có thể vận dụng ngay tại công ty của họ.
Với những nhà sáng chế tự do? Họ có 2 cách, có thể tự thành lập công ty để làm ra sản phẩm từ chính sáng chế của mình, hoặc họ bán ra ngoài thị trường.
Cách thứ nhất sẽ rất khó thực hiện, để nuôi được một ý tưởng đã rất phức tạp, tốn nhiều thời gian. Xây dựng một công ty đòi hỏi phải có nhiều tài chính để đảm bảo vận hành được một công ty. Bên cạnh đó còn nuôi đội ngũ nhân viên và bạn phải đảm bảo có một phòng nghiên cứu và phát triển để đổi mới sáng tạo, vì bản thân công nghệ là sự thay đổi liên tục. Hơn nữa sản phẩm công nghệ phải được test đi test lại nhiều lần trong thời gian rất dài mới có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của công ty.
Cách thứ 2 cũng không dễ dàng gì, để tìm được một người mua tốt rất khó khăn. Hơn nữa, bạn rất dễ bị lộ bí quyết sáng chế của mình nếu không nắm được luật sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, nhiều sáng chế không phù hợp với nhu cầu xã hội đang cần.
Có một vấn đề thực tại diễn ra khiến các nhà sáng chế ngại đưa những ý tưởng của mình ra sàn giao dịch vì bí quyết công nghệ của họ không được đảm bảo, việc bị mất ý tưởng rất dễ xảy ra khi đưa ra sàn giao dịch... ông có giải pháp nào trong vấn đề này nhằm giúp họ mạnh dạn hơn trong TMH sáng chế?
Ông Hannu Kokko:Cơ quan nhà nước cần giúp đỡ những nhà sáng chế để có thể triển khai bằng sáng chế của mình. Trong lần tham dự buổi trao giải Vì sự nghiệp sáng tạo, có một người có đến 15 bằng sáng chế nhưng chưa có một bằng nào được đưa vào thị trường cả. Có thể họ sợ sẽ bị lộ ý tưởng, hay không phù hợp với thực tiễn, cũng có thể họ không đủ kinh phí thực hiện.
Điển hình là chính phủ Phần Lan có sẵn 1 quỹ tài trợ cho các nhà sáng chế. Có những thủ tục hướng dẫn các nhà sáng chế tiến hành như thế nào từ việc xây dựng ý tưởng, tư vấn pháp lý, hồ sơ, bảo hộ quyền sở hữu, đưa sáng chế vào sản xuất…
Tại sao chúng tôi chọn ra 50 DN để hỗ trợ? Bởi mục đích của chúng tôi giúp các tổ chức nhà nước học hỏi kinh nghiệm hỗ trợ DN của mình.
Tôi thiết nghĩ, những nhà sáng chế tự do cũng là những người có một kiến thức cao nhất định rồi, không có lý do gì mà không bộc lộ được sáng chế của mình. Hãy bộc lộ sáng chế mình ra, vì nhà nước đã có chính sách bảo hộ. Đối với các nước khác cũng vậy, những bí quyết kinh doanh thì họ giữ lại nhưng bản chất của sáng chế thì lại bộc lộ trong bằng sáng chế của mình.



----------------------------------------------------------------------------------------------
TRITRI.org - SÁNG TẠO ĐỔI MỚI
Thích ứng thay đổi * Chủ động sáng tạo * Dẫn dắt thành công
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ cũ link                 BÀI VIẾT sáng tạo: link
BÀI GIẢNG sáng tạo: bộ mới link             HÌNH ẢNH sáng tạo: link

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét