Trên thực tế cũng đã có rất nhiều nghiên cứu cho rằng, đến thiên tài cũng mới sử dụng có 15% hiệu suất não của mình. Cho nên, học nghĩ sáng tạo để não đi xa hơn là hoàn toàn có thể. Edison cũng từng đưa ra lý luận: “Để giải quyết một vấn đề khó, chúng ta cần 80% sự tư duy sáng tạo”. Đồng thời, một người có chỉ số IQ cao sẽ giải quyết vấn đề theo một hướng đặc biệt so với một người bình thường… Biết thế, nhưng khá nhiều quốc gia vẫn chọn những giải pháp cũ để tồn tại thay vì chọn con đường đã trở thành xu thế chung: đó là sự sáng tạo, áp dụng những ý tưởng sáng tạo độc đáo vào trong sản xuất kinh doanh.
Tìm lối đi riêng. Các nhà khoa học đã từ lâu đều phát hiện ra rằng có một dây thần kinh gọi là đường Mason Dixon chia não bộ của con người ra làm hai phần, bán cầu nào phải và bán cầu não trái. Bộ não bên phải thường chứa đựng tất cả các ý tưởng đột phá và rất nhiều người đã tận dụng được nguồn vốn dồi dào này để kích thích sự sáng tạo. Hiện nay, ở những nước phát triển, nhân viên của các tập đoàn lớn đều phải chinh phục các câu hỏi về tư duy sáng tạo khi vượt qua các vòng phỏng vấn để trở thành nhân viên chính thức. Hay trong cuốn “Làm thế nào để dịch chuyển núi Phú Sĩ” của tác giả WilliamPoundstone cũng đã mô tả quá trình phỏng vấn tuyển dụng của Công ty Microsoft, các ứng viên luôn nhận được những câu hỏi đòi hỏi kỹ năng “suy nghĩ ngoài chiếc hộp” (Thinking out of box) như: “Làm sao để dịch chuyển núi Phú Sĩ?”, “Có bao nhiêu cây cầu trong thành phố?”, “Vì sao chiếc nắp cống lại hình tròn?”...Tony Buzan cha đẻ của ứng dụng bản đồ tư duy Mindmap cũng ứng dụng sự sáng tạo cho việc phát triển lý thuyết của mình về sử dụng bản đồ tư duy trong công việc. Đây là sự kết hợp giữa dữ liệu, con số logic... của não trái với hình ảnh, màu sắc, đường nét… của não phải để phân tích các vấn đề trong công việc. Kết quả, Mindmap có một thành tựu tuyệt vời khi được đánh giá là có sự phát minh vĩ đại trong ngành công nghệ sáng tạo nhờ vào việc phát huy bộ não con người.
Tính sáng tạo đặc biệt cần thiết trong lĩnh vực kinh doanh. Ngày nay, khi các tập đoàn đa quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức và phức tạp trong kinh doanh mang tính toàn cầu thì cạnh tranh cũng trở nên khốc liệt. Nền kinh tế mới nổi đầy quyền lực như Trung Quốc và Ấn Độ đang bắt đầu đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm và dịch vụ với giá rất cạnh tranh. Điều này đang trở thành mối lo ngại của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc công ty thấm nhuần về một nền văn hóa sáng tạo để tạo ra nhiều sự khác biệt nổi bật và nhờ đó giải quyết ổn thỏa mọi thách thức kinh doanh mới phát sinh là một vấn đề bức thiết.
Có thời điểm Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ được xem là những mảnh đất tốt để tận dụng sức sản xuất kiểu vệ tinh - nhờ chi phí lao động thấp hơn châu âu hay Bắc Mỹ. Tuy nhiên, sự chênh lệch đang ngày càng rõ nét khi Trung Quốc ngày nay chú trọng vào giáo dục và tính sáng tạo, giúp họ trở thành điểm hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Chẳng hạn, Microsoft có ba trung tâm R&D tầm cỡ toàn cầu - ngoài trụ sở chính ở Redmond, bang Washington (Mỹ), hai trung tâm còn lại thì một ở London (Anh), và một ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Thúc đẩy cạnh tranh. Chỉ nói riêng ngành công nghiệp xe hơi thôi đã thấy rõ sáng tạo là một trong những nhân tố chính để tồn tại. Bởi hầu hết những cuộc chiến của các doanh nghiệp sản xuất xe hơi đều rơi vào lĩnh vực thiết kế. Những mẫu mã mới trong thiết kế, những kiểu dáng xe hơi độc đáo đang tạo ra lợi thế cạnh tranh. ông Bruno Sacco, nguyên Giám đốc Thiết kế Kiểu dáng của Mercedes-Benz, người có công đóng góp rất lớn vào những thành công của công ty đã từng khẳng định: “Kiểu dáng liên quan tới 85% quyết định mua của khách hàng”, khi nói về tầm quan trọng của kiểu dáng đối với việc gia tăng giá trị của sản phẩm. Trong khi đó, còn khá nhiều công ty trong nước vẫn chỉ chạy đua giảm chi phí, giá thành sản phẩm… để tồn tại trên thương trường. Điều này không chỉ gây thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp mà thậm chí còn ảnh hưởng tới ngành kinh tế của một quốc gia.
Dù đã có nhiều công ty trong nước áp dụng hình thức cạnh tranh bằng tính sáng tạo như Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã nghiên cứu đổi mới công nghệ trong sản xuất đèn huỳnh quang và đã đưa ra thị trường sản phẩm đèn huỳnh quang Max 801 với ứng dụng công nghệ hoạt hóa Tricolor phosphor. Sản phẩm vừa có khả năng đem lại hiệu suất ánh sáng cao, vừa giúp tiết kiệm điện và bảo vệ thị lực của người sử dụng. Như vậy về phía doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong việc cạnh tranh về giá cũng như tính năng vượt trội của sản phẩm. Hay Vinacafé Biên Hòa cũng từng tuyên bố rằng: “Nếu chỉ tính về số lượng thì mỗi năm công ty cho “ra lò” khoảng 100 sáng kiến. Hiệu quả kinh doanh tăng do các sáng kiến mang lại khoảng 5%-7%/năm, góp phần đưa thị phần của Vinacafé tại thị trường trong nước lên đến 50,4%... nhưng con số này thực sự vẫn còn khá khiêm tốn so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong cả nước.
Thực tế trên cho thấy, những nhà lãnh đạo kinh doanh ngày nay cần theo đuổi triết lý suy nghĩ mới về “một nền kinh tế sáng tạo”. Sáng tạo để đem đến cho các khách hàng những trải nghiệm thú vị hơn và có ý nghĩa hơn. Điều đó cũng sẽ đem lại cho các công ty sự tín nhiệm và lòng trung thành của khách hàng. Có lẽ câu trả lời cho việc phải đương đầu với thách thức kinh doanh mới sẽ rất khó nhưng cũng thật dễ dàng nếu chúng ta biết tận dụng “não phải” để sáng tạo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta không thể chỉ sáng tạo manh mún mà phải lập Viện Xây dựng Chiến lược Kinh doanh, đơn vị có nhiệm vụ cân đối việc phân phối những chính sách, cung cấp các “điểm sáng điển hình”, công cụ tạo khả năng cho các công ty và tổ chức gắn việc xây dựng kế hoạch vào các hoạt động kinh doanh, và kích thích sự thay đổi trong hành vi sao cho việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, đổi mới và sáng tạo sẽ được coi trọng hơn.
{ 0 nhận xét... read them below or add one }
Đăng nhận xét